Trồng dâu nuôi tằm: Hướng phát triển kinh tế mới ở Ea Ning
Gần 2 năm nay, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Ea Ning (huyện Cư Kuin) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng hồ tiêu bị chết sang trồng dâu nuôi tằm và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Dung (thôn 10) phát triển kinh tế chủ yếu nhờ vào việc trồng hồ tiêu, cà phê. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, trước tình trạng hồ tiêu xuất hiện bệnh chết nhanh, chết chậm, giá bán lại giảm mạnh nên bà quyết định tìm hướng đi mới. Có dịp đến tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm tại tỉnh Lâm Đồng, thấy việc nuôi tằm cần ít vốn mà hiệu quả kinh tế khá cao nên gia đình bà đã chuyển đổi hơn 2,5 sào đất trồng hồ tiêu kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm.
Bà Dung chăm sóc vườn dâu nuôi tằm. |
Đầu năm 2019, bà Dung đầu tư 4 triệu đồng để mua giống cây dâu về trồng. Sau khi thấy dâu phát triển xanh tốt, bảo đảm nguồn thức ăn, bà mua 0,3 kg tằm giống về thử nuôi. Nhờ nuôi đúng kỹ thuật, sau 15 ngày tằm cho thu hoạch 18 kg kén. Từ kết quả ban đầu, bà tiếp tục đầu tư mua thêm tằm về nuôi. Theo bà Dung, tằm là loài vật dễ nuôi, ít bệnh nhưng sức đề kháng kém, rất nhạy cảm với hóa chất và mùi lạ nên nhà nuôi cần sạch sẽ, thoáng mát.
Bên cạnh đó, nuôi tằm có thể chủ động thời gian, bận vụ mùa có thể dời lịch sang thời điểm khác; còn nếu nuôi liên tục thì mỗi năm có thể cho thu kén tối đa 24 đợt. Trung bình mỗi đợt gia đình bà nuôi từ 1 - 1,5 hộp giống tằm (mua 1 triệu đồng/hộp) thu về 60 kg kén. Số kén này được bán cho người thu mua ở xã Krông Nô (huyện Lắk) với giá từ 100 – 150 nghìn đồng/kg. Hiện nay, thấy mô hình này cho thu nhập khá cao và ổn định ( khoảng 5 triệu đồng/hộp/đợt thu) nên bà đã mạnh dạn mua và thuê thêm đất tổng cộng 2,5 ha trồng dâu nhằm chủ động nguồn thức ăn để mở rộng quy mô nuôi tằm lên 2-3 hộp giống trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Dung
|
Cũng như bà Dung, đầu năm 2019 gia đình anh Ngũ Thế Lực (thôn 24) chuyển đổi hết 7 sào đất trồng hồ tiêu già cỗi sang trồng dâu. Sau 6 tháng, dâu phát triển tốt, anh Lực mua 2 hộp giống tằm về nuôi. Đều đặn mỗi tháng gia đình anh nuôi 2 đợt, sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 10 triệu đồng. Anh Lực chia sẻ: “Từ năm thứ hai trở đi, lợi nhuận sẽ tăng lên vì không phải đầu tư trồng mới dâu, đồng thời có thể dùng phân tằm đã qua xử lý để bón cho cây dâu phát triển, nhờ đó thu nhập từ mô hình này có thể còn cao hơn”.
Thấy mô hình này hiệu quả cao, thu hồi vốn nhanh, tốn ít công lao động hơn trồng hồ tiêu, cà phê nên nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã tìm đến gia đình bà Dung, anh Lực và một số hộ khác để học hỏi kinh nghiệm. Đến tháng 3-2019, các hộ dân trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn đã tập hợp nhau thành lập Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm xã Ea Ning, do bà Nguyễn Thị Dung làm tổ trưởng, với 35 thành viên tham gia nhằm liên kết sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật, tìm kiếm và kết nối thị trường đầu ra. Tính đến nay, toàn tổ đã có 10,6 ha đất trồng dâu phục vụ cho chăn nuôi tằm.
Bà Dung chuẩn bị né để nuôi tằm. |
Được biết, mới đây Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Kuin đã kết nối Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm xã Ea Ning với Hợp tác xã Nông nghiệp EMI Cao Nguyên (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) để hỗ trợ các thành viên trong tổ về nguồn giống, tập huấn khoa học kỹ thuật, tham quan mô hình, trang thiết bị máy móc, đầu ra… nhằm tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao; từng bước ổn định và phát triển kinh tế hộ gia đình.
Thúy Dung
Ý kiến bạn đọc