Multimedia Đọc Báo in

Cụm công nghiệp Tân An 1, Tân An 2 Cần sớm hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật

11:07, 06/03/2020

Mặc dù đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay, nhưng Cụm công nghiệp (CCN) Tân An 1 và Tân An 2, TP. Buôn Ma Thuột vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

CCN Tân An 1 và Tân An 2 có diện tích gần 105 ha, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào CCN hơn 206 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách và vốn xã hội hóa. Hiện 8 công trình, hạng mục công trình đã hoàn thành, quyết toán bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước với tổng số tiền 28,5 tỷ đồng. Cụ thể, lập quy hoạch chi tiết, đền bù giải phóng mặt bằng và đánh giá tác động môi trường: hơn 1,9 tỷ đồng; đường trục chính, cổng, tường rào, hệ thống cây xanh, chiếu sáng: gần 27,6 tỷ đồng. Bên cạnh các hạng mục đã được thực hiện, 2 dự án đang được triển khai từ nhiều năm nay. Trong đó Dự án hệ thống xử lý nước thải CCN Tân An 1 và 2, công suất thiết kế 1.500 m3/ngày, tổng số vốn 37,3 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2013, khối lượng công trình mới đạt khoảng 50%, ngân sách tỉnh đã bố trí gần 18,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số kinh phí này có 5 tỷ đồng giao theo kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2019 không giải ngân được do không có khối lượng thanh toán (dự án đã ngừng thi công), do đó UBND TP. Buôn Ma Thuột đã xin điều chuyển vốn cho dự án khác.

Đối với Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN Tân An 1 và 2 được phê duyệt với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ 50 tỷ đồng, còn lại là vốn của chủ đầu tư hạ tầng CCN) cũng đang triển khai kéo dài. Đến nay, kinh phí đã bố trí cho dự án đạt 27,4 tỷ đồng, riêng năm 2019 dự án không được bố trí vốn do năm 2018 bố trí 7,4 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, số vốn còn lại sẽ được tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí trong năm nay theo tiến độ của dự án.

Đường nội bộ và hệ thống điện sản xuất, chiếu sáng trong CCN Tân An 2.
Cổng và đường trục chính vào CCN Tân An 1, 2.

CCN Tân An 1 và 2 được UBND tỉnh giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Hồng Lĩnh (Công ty Hồng Lĩnh) đầu tư theo hình thức đầu tư – kinh doanh (BO). Hiện doanh nghiệp này đã đầu tư hơn 64 tỷ đồng xây dựng nhiều hạng mục, trong đó, CCN Tân An 1 đã thảm nhựa hệ thống giao thông, thoát nước mưa, lát vỉa hè và hệ thống cây xanh, chiếu sáng (35,5 tỷ đồng); CCN Tân An 2 đã thảm nhựa các trục đường số 1, 4, 8, 9, 10 (28,6 tỷ đồng)…

Bên cạnh khối lượng thực hiện bằng ngân sách và vốn của Công ty Hồng Lĩnh, một số doanh nghiệp khác cũng đầu tư cơ sở hạ tầng tại 2 CCN này để kinh doanh dịch vụ. Cụ thể, Công ty Điện lực Đắk Lắk xây dựng hệ thống đường dây 22 kV và trạm biến áp hạ thế, tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng; Viễn thông Đắk Lắk đầu tư cột Ăngten và hạ tầng viễn thông, với số vốn 7 tỷ đồng.

Ngoài các công trình đã và đang triển khai, hạng mục quan trọng tại 2 CCN này là hệ thống cấp nước sinh hoạt và phòng cháy chữa cháy tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng do ngân sách Trung ương hỗ trợ chưa được xây dựng. Theo Sở Công thương, do hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh nên đã ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh và xử lý môi trường của các doanh nghiệp trong CCN. Bên cạnh đó, công tác quản lý của Công ty Hồng Lĩnh cũng bộc lộ nhiều hạn chế, chưa thành lập bộ máy quản lý cụm công nghiệp, buông lỏng trong việc quản lý, lúng túng trong việc chấm dứt hợp đồng, thu hồi đất với các dự án yếu kém.

Cổng và đường trục chính vào CCN Tân An 1, 2. 
 Đường nội bộ và hệ thống điện sản xuất, chiếu sáng trong CCN Tân An 2.  

Liên quan đến những bất cập về đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN Tân An 1 và 2, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại liên quan. Theo đó, UBND TP. Buôn Ma Thuột khẩn trương xử lý vướng mắc của Dự án khu xử lý nước thải tập trung và sớm đưa công trình vào sử dụng; đồng thời, khảo sát và lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt và phòng cháy chữa cháy. Đối với Công ty Hồng Lĩnh, UBND tỉnh yêu cầu doanh nghiệp này hoàn thành các hạng mục còn lại trong CCN Tân An 1, 2 trước quý 2 năm nay; thành lập bộ máy quản lý và công khai diện tích đất chưa cho thuê lại để thu hút dự án đầu tư.

CCN Tân An 1 được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2002, diện tích 48,5 ha, hiện có 40 dự án đầu tư, diện tích 33,7 ha, tổng số vốn đăng ký đầu tư 791 tỷ đồng. CCN Tân An 2 được phê duyệt năm 2008, hiện có 44 dự án đầu tư, diện tích gần 46 ha, tổng số vốn 2.023 tỷ đồng. Hiện tỷ lệ lấp đầy 2 CCN này đạt gần 100%, tuy nhiên có nhiều dự án ngừng hoạt động, sử dụng đất công nghiệp không hiệu quả.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.