Điểu chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đóng thuế thu nhập cá nhân: Cần công bằng hơn với người nộp thuế
Những ngày gần đây, dư luận đang rất quan tâm đến việc Bộ Tài chính lấy ý kiến Dự thảo nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) để nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Theo Dự thảo mà Bộ Tài chính đưa ra, thu nhập chịu thuế TNCN sẽ tăng từ 9 triệu đồng hiện nay lên 11 triệu đồng/tháng và mức áp dụng cho người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng cũng tăng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Căn cứ để Bộ Tài chính đưa ra đề xuất trên là dựa trên mức tăng tương ứng với mức biến động của CPI (chỉ số giá tiêu dùng). Cụ thể, CPI cuối tháng 12-2019 đã tăng 23,2% so với ngày 1-7-2013 (thời điểm sửa đổi luật Thuế TNCN để tăng mức GTGC có hiệu lực).
Căn cứ đó là không sai, bởi tại khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13 nêu rõ: “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức GTGC gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức GTGC quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”. Thế nhưng xét trên phương diện đời sống của người nộp thuế, hằng năm chỉ cần CPI tăng từ 2 đến 3% là đã ảnh hưởng rất lớn đến khoản thu nhập họ có được. Chưa kể những khoản khác như chi phí học tập cho bản thân; chi phí khám chữa bệnh, nhất là các bệnh hiểm nghèo cho bản thân và người thân; chi phí bảo hiểm y tế cho người thân... vẫn nằm trong “gói” thu nhập của người nộp thuế. Thế thì để đến khi CPI tăng tới 23,2% mới có sự điều chỉnh mức đóng thuế TNCN và GTGC khiến suốt một thời gian rất dài, người nộp thuế đã phải “gồng gánh” cân đối giữa thu nhập với sự tăng trưởng của lạm phát, trượt giá.
Người nộp thuế làm thủ tục tại Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột. (Ảnh minh họa) |
Mặt khác, khi điều chỉnh tăng mức GTGC năm 2013, ban soạn thảo đã dựa trên tham chiếu các chỉ tiêu mức thu nhập, chi tiêu trung bình của xã hội, tiền lương tối thiểu và rõ nhất là thu nhập bình quân đầu người. Cụ thể, ở thời điểm đó mức giảm trừ 9 triệu đồng/tháng, tương đương 2,5 lần mức thu nhập bình quân đầu người năm 2014. Thế nhưng theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố, năm 2019 thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 3.000 USD/năm (tương đương khoảng 5,8 triệu đồng/tháng). Như vậy nếu so sánh tương đồng 2,5 lần mức thu nhập bình quân đầu người như cách tính trước đây, ngưỡng chịu thuế TNCN phải ít nhất từ 14,5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng ở lần điều chỉnh này, Bộ Tài chính đã không đưa chỉ số tham chiếu quan trọng đó vào làm căn cứ.
Chỉ với hai chỉ số tham chiếu trên có thể thấy, người nộp thuế đã không được tính thuế theo cách hợp lý, nhất quán. Chưa kể, như Bộ Tài chính công bố, với đề xuất nâng mức GTGC nêu trên, số thu về thuế TNCN một năm giảm khoảng 10.300 tỷ đồng (tương đương giảm khoảng 13% số thu ngân sách từ thuế TNCN năm 2019) thì xét một cách tổng quan, số hụt thu trên không phải là quá lớn nếu so với tác động từ mặt trái của nó. Cụ thể ở đây là việc người nộp thuế chắc chắn sẽ phải cắt giảm chi tiêu, hạn chế đầu tư… để bảo đảm cân đối thu nhập. Như vậy, động lực phát triển của nền kinh tế sẽ bị những tác động tiêu cực nhất định.
Với những phân tích trên có thể thấy, nếu Dự thảo được thông qua sẽ khó có thể đáp ứng được mục tiêu mà Bộ Tài chính hướng đến là để góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013; đảm bảo thực hiện mục tiêu chính sách động viên hợp lý, công bằng, góp phần nâng cao đời sống của người nộp thuế, tạo động lực khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập làm giàu chính đáng…
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc