Multimedia Đọc Báo in

Đìu hiu thị trường bất động sản mùa dịch

08:36, 24/04/2020

Cũng như những lĩnh vực khác, thị trường bất động sản (BĐS) tại TP. Buôn Ma Thuột đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động giao dịch trở nên trầm lắng.

Theo các nhà kinh doanh BĐS, thị trường nhà, đất bắt đầu hạ nhiệt từ nửa cuối năm 2019 và nguội lạnh dần khi dịch bệnh tác động lên nền kinh tế. Nguồn cung sản phẩm dồi dào do nhiều người làm ăn khó khăn, phải bán nhà, đất để duy trì sản xuất, kinh doanh hoặc các nhà đầu tư nhỏ đầu cơ đất trong thời điểm sốt giá năm 2019 không chịu nổi lãi vay ngân hàng buộc phải bán để cắt lỗ. Hiện có nhiều sản phẩm nhà đất được chủ sở hữu hoặc các nhà môi giới rao bán với giá rẻ hơn nhiều so với trước đây.

Đơn cử như thửa đất có diện tích gần 150 m2 (có đất thổ cư, nhà) tại đường Phan Huy Chú, phường Khánh Xuân được rao giá chưa đến 500 triệu đồng, hay lô đất ở đô thị tại đường hẻm Mai Hắc Đế, phường Tân Thành, diện tích 100 m2 được rao bán giá 600 triệu đồng. Ở thời điểm trước đây, giá thị trường của 2 lô đất này xấp xỉ 1 tỷ đồng. Tương tự, tại khu vực xã Cư Êbur, một trong những khu vực “sốt" đất đầu năm 2019, giá nhà đất cũng đã hạ nhiệt. Cụ thể, đường hẻm Phạm Ngũ Lão và các tuyến đường A tại xã này, đất trống diện tích 100 m2 có giá khoảng 500 triệu đồng/lô, nhà gần 1 tỷ đồng/căn, giảm khoảng 30% so với giá thị trường trước đây.

Một dự án bất động sản đang triển khai tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột.
Một dự án bất động sản đang triển khai tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột.

Mặc dù nguồn cung nhiều, nhưng số lượng BĐS bán được thời điểm này rất ít. Chỉ những nhà đầu tư có tiềm lực, người có tiền nhàn rỗi hoặc người dân thật sự có nhu cầu về nhà ở mới xuống tiền mua. Bên cạnh đó, một xu hướng mới xuất hiện gần đây là nhà đầu tư tìm mua đất nông nghiệp có tầm nhìn đẹp, giá rẻ ở vùng ven thành phố để làm nông nghiệp kết hợp du lịch. Theo các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, số lượng giao dịch mua bán thời điểm này giảm từ 30 – 50% so với bình thường. Ông Nguyễn Văn Kế, Giám đốc Công ty Bất động sản Hưng Gia Khang cho biết, do dịch bệnh nên các doanh nghiệp không thể tổ chức những hoạt động tiếp xúc khách hàng đông người như tiếp thị, mở bán sản phẩm, khởi công… Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn, nhiều nông sản khó tiêu thụ nên khách hàng ít quan tâm đến BĐS khiến thị trường trầm lắng. Công ty gặp nhiều khó khăn do phải trang trải chi phí nhân viên, mặt bằng, trả nợ ngân hàng. Trước tình trạng này, đơn vị phải cố gắng cầm cự, cắt giảm chi phí không cần thiết và bố trí nhân viên làm việc online tại nhà.

Trước sự nguội lạnh của thị trường, các doanh nghiệp, nhà đầu tư BĐS đã có kiến nghị ngành Ngân hàng cần sớm có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, nhất là xem xét giãn nợ, giảm lãi suất cho vay.

Đối với Công ty TNHH Bất động sản và Xây dựng Thành Đồng, từ cuối năm 2019 đến nay, lượng sản phẩm giao dịch giảm khoảng 50%. Trong bối cảnh khó khăn, công ty đã thực hiện các giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tái cơ cấu đầu tư và cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng các sản phẩm vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thực của khách hàng. Đồng thời, nâng cấp chất lượng đội ngũ nhân viên để nâng cao hiệu quả công việc.

Nhiều khu đất tại đường Phùng Hưng, TP. Buôn Ma Thuột đang được rao bán.
Nhiều khu đất tại đường Phùng Hưng, TP. Buôn Ma Thuột đang được rao bán.

Theo ông Huỳnh Văn Kiều, Chủ tịch lâm thời Hiệp hội Bất động sản Đắk Lắk, thị trường BĐS trầm lắng bên cạnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, còn bị tác động của "chiến tranh thương mại" Mỹ - Trung Quốc và một số doanh nghiệp BĐS (ở địa phương khác) làm ăn phi pháp bị phanh phui trong năm 2019 dẫn đến tâm lý e ngại của khách hàng về pháp lý của các sản phẩm. Ở một góc độ khác, theo ông Kiều, những khó khăn trong thời điểm này cũng giúp thị trường BĐS được thanh lọc, đào thải những cá nhân, doanh nghiệp làm ăn theo kiểu “chụp giựt” giúp thị trường BĐS tại TP. Buôn Ma Thuột trở nên trong sạch, người mua không bị thiệt hại và cơ quan chức năng thuận lợi trong công tác quản lý. Tuy nhiên, về lâu dài, địa phương cần đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, thực hiện những dự án BĐS tầm cỡ, đẳng cấp, qua đó thu hút được các nguồn lực về con người, tài chính và kích cầu du lịch ngoại tỉnh. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn cụ thể và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tỉnh lập các dự án quy mô nhỏ về đất nền, nhà ở đúng pháp luật, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với giá vừa phải để đáp ứng nhu cầu của người dân có thu nhập trung bình và thấp.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.