Hiệu quả từ mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê
Trước thách thức của biến đổi khí hậu tác động đến sản xuất cà phê, năm 2018 Chương trình Sáng kiến cảnh quan bền vững (ISLA) đã hỗ trợ Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2 - 9 Đắk Lắk triển khai xây dựng Cụm cảnh quan cà phê bền vững (MLC - Mini Landscape Coffee) tại huyện Krông Năng. Theo đó, nhiều hộ trong vùng dự án đã được hỗ trợ các thiết bị tưới tiết kiệm nước để ứng phó với mùa khô Tây Nguyên.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có gần 9.000 ha cây trồng bị hạn, trong đó, lúa 3.694 ha, cây hoa màu 2.007 ha, cây lâu năm 2.671 ha. Tình trạng này đã khiến rất nhiều nông dân trồng cà phê đang phải gồng mình tìm nguồn nước tưới.
Đồng hồ đo lượng nước tưới được lắp tại hộ anh Tạ Duy Thanh (thôn Thanh Cao, xã Ea Tân). |
Trong khi đó, các hộ trong Cụm cảnh quan cà phê bền vững Ea Tân (huyện Krông Năng) lại khá thảnh thơi, không phải lo lắng về nước tưới vì trước khi bước vào mùa khô, họ đã được trang bị kiến thức và các thiết bị hỗ trợ tưới tiết kiệm nước. Anh Tạ Duy Thanh (thôn Thanh Cao, xã Ea Tân) cho biết, trước đây người dân thường căn theo sự ước lượng, kinh nghiệm, có khi tưới đến 6 - 7 giờ, vừa lãng phí nhân công, vừa lãng phí nước. Từ khi được dự án hỗ trợ đồng hồ đo lượng nước tưới cho cây cà phê, gia đình kiểm soát được lượng nước tưới vừa đủ nhu cầu nước của cây, không bị lãng phí. Cứ 1 giờ chạy được 12 m3 nước, căn béc tưới từ 4 - 5 giờ là dời béc đến vị trí khác. Như vậy một gốc cà phê sẽ tưới từ 350 - 400 lít nước là đủ nhu cầu cho cây phát triển.
Gia đình anh Lê Anh Tiến (thôn Thanh Cao), có 3 ha cà phê và cây trồng xen; trong đó, 1 ha lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc, còn lại tưới bằng béc. Trước đây, gia đình dùng phương pháp tưới dí nên không tính toán được lượng nước, gây lãng phí rất nhiều, khiến những đợt tưới sau không còn đủ nước. Vì vậy, cứ vào mùa khô là hầu như vườn cà phê bị thiếu nước, ảnh hưởng nhiều đến năng suất. Từ khi tham gia vào dự án, gia đình anh được hỗ trợ đồng hồ đo lượng nước tưới, nhờ đó mỗi lần tưới đều đo được lượng nước chính xác, không lãng phí nguồn nước, tiền điện…
Hệ thống tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê được hộ anh Lê Anh Tiến (thôn Thanh Cao) lắp tại vườn. |
"Hiện vẫn còn nhiều người dân áp dụng phương pháp tưới truyền thống gây lãng phí nước đến 20%, trong khi nguồn nước dự trữ càng ngày càng ít. Việc áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm sẽ tăng được số lần tưới cho vườn cây trong mùa nắng hạn. Do đó, những mô hình tưới tiết kiệm cần nhân rộng hơn nhằm ứng phó tốt với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay".
Ths. Đỗ Văn Trung, Bộ môn hệ thống nông nghiệp (WASI)
|
Hộ anh Nguyễn Đức Phương (thôn Tân Phú, xã Ea Tân) có 1,7 ha cà phê xen canh, trước đây toàn tưới theo kinh nghiệm, từ khi có đồng hồ thì kiểm soát và tiết kiệm được 30 - 40% lượng nước tưới, bớt đi chi phí sản xuất.
Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk cho biết, Chương trình ISLA (do Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững - IDH tài trợ) được xây dựng trên tổng diện tích 5.200 ha, với sự tham gia của 4.000 nông hộ ở 3 xã Ea Tân, Ea Toh và Dliê Ya. Các hoạt động chính trong Chương trình gồm: xây dựng mô hình cụm cảnh quan cà phê bền vững; tái cấu trúc chuỗi cung ứng vật tư đầu vào cây giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng mô hình dịch vụ nông nghiệp, tư vấn phân tích đất và sử dụng hóa chất nông nghiệp; thành lập và nâng cao năng lực của các hợp tác xã và học tập sáng tạo thông qua tập huấn nông dân chia sẻ mô hình ứng dụng công nghệ và sáng kiến mới.
Để có căn cứ thuyết phục người dân tham gia xây dựng Cụm cảnh quan, Công ty đã phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) khảo sát, điều tra thực trạng vườn các nông hộ; phân tích mẫu đất, nước… để đưa ra quy trình, mô hình trồng, chăm sóc hợp lý nhất. Đến thời điểm này, ngoài việc hỗ trợ phân bón hữu cơ, các loại cây trồng xen thì đơn vị cũng đã phối hợp với Chương trình ISLA xây dựng được 30 mô hình tưới nước tiết kiệm, cùng với nhiều hỗ trợ khác cho nông dân như lắp đồng hồ đo lượng nước tưới, hồ dự trữ nước mùa khô... Khi tham gia Chương trình, nông dân được hướng dẫn lắp đặt, áp dụng đồng hồ đo nước. Theo đó, lượng nước đã được kiểm soát phù hợp, tiết kiệm chi phí, công lao động. Đồng thời thông qua mô hình tiết nước tiết kiệm, nông dân có thể kết hợp với phân bón trong hệ thống, tiết kiệm nhân công tưới, bón phân và nhiên liệu. Mục tiêu của chương trình đến năm 2025 là 100% cà phê sản xuất ra đạt tiêu chuẩn bền vững được thị trường đón nhận; giảm 25% lượng nước tưới sử dụng; giảm 15% lượng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật; tăng 30% thu nhập của nông dân trồng cà phê.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc