Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Ea Súp được mùa, được giá lúa

09:00, 09/04/2020

Những ngày này, nông dân trên địa bàn huyện Ea Súp đang gấp rút thu hoạch lúa vụ đông xuân 2019 - 2020. Trong vụ lúa này, nông dân trúng mùa và tiêu thụ thuận lợi với giá khá cao.

Vụ đông xuân năm hay, huyện Ea Súp gieo trồng trên 5.397 ha lúa, tập trung chủ yếu tại các xã Ea Bung (1.007 ha), Ea Lê (1.015 ha), Ya Tờ Mốt (1.200 ha), Ea Rốk (1.100 ha), chủ yếu là các giống lúa cho năng suất, chất lượng cao như: RVT, OM 5451, OM 6976, Đài thơm 8…

Xác định đông xuân là vụ sản xuất chính trong năm nên ngay từ đầu vụ UBND huyện Ea Súp đã lãnh đạo, chỉ đạo các ban ngành đảm bảo nguồn nước tưới từ công trình thủy lợi Hồ Thượng điều tiết liên tục qua hệ thống kênh chính Đông và kênh chính Tây; hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật và ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất nhằm hạ giá thành, tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ người dân tiến hành các biện pháp thâm canh, tăng vụ, sử dụng nhiều giống lúa mới… Nhờ vậy năng suất lúa thu hoạch vụ này đạt cao, trung bình khoảng 7,5 - 8,5 tấn/ha, một số chân ruộng được chăm sóc tốt lên tới hơn 9 tấn/ha.

Nông dân huyện Ea Súp thu hoạch lúa vụ đông xuân.
Nông dân huyện Ea Súp thu hoạch lúa vụ đông xuân.

Lúa được mùa, giá lúa cũng được các thương lái thu mua ở mức cao, dao động từ 5.800 - 6.000 đồng/kg. Nông dân thu hoạch đến đâu, thương lái vào tận nơi thu mua hết đến đấy khiến người dân rất phấn khởi.

Gia đình anh Trần Xuân Linh (thị trấn Ea Súp) đang phơi lúa cho khô để chờ thương lái cân luôn tại chỗ. Anh Linh hồ hởi cho biết: “Vụ lúa năm nay, thời tiết thuận lợi cả trong quá trình sản xuất và thu hoạch. Lúa năm nay trúng mùa hơn năm trước. Năm ngoái 2,5 ha lúa của gia đình tôi chỉ có năng suất khoảng 5 - 6 tấn/ha thì năm nay tăng lên 8 tấn/ha. Bên cạnh đó, vụ này thương lái cũng thu mua nhanh chóng và dễ dàng hơn. Giá lúa tươi tôi vừa bán tại ruộng là 6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 30 triệu đồng/ha". Cũng cùng niềm vui như anh Linh, gia đình chị Huỳnh Xuân Hoa (thị trấn Ea Súp) cũng được thương lái trả 6.000 đồng/kg lúa, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 50 triệu đồng/ha. Chị Hoa vui vẻ: “Năm nay lúa đẹp hơn hẳn mọi năm, hạt lúa đều căng, vàng bóng, năng suất cao tầm 8,5 tạ/sào”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, do đông xuân là vụ chính trong năm nên công tác chuẩn bị trước mùa vụ được ngành Nông nghiệp huyện chú trọng. Phòng NN-PTNT huyện xây dựng kế hoạch và khuyến cáo nông dân xuống giống theo lịch thời vụ; hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật nhằm giúp nông dân giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, Phòng còn phân công cán bộ kỹ thuật thăm đồng thường xuyên, theo dõi tình hình sản xuất, sâu, bệnh trên lúa để kịp thời hỗ trợ nông dân.

Gia đình anh Trần Xuân Linh (thị trấn Ea Súp) đóng bao lúa khô chờ thương lái đến cân.
Gia đình anh Trần Xuân Linh (thị trấn Ea Súp) đóng bao lúa khô chờ thương lái đến cân.

Các thương lái cho biết nguyên nhân dẫn tới việc giá lúa được thu mua cao như hiện nay là do năm nay lúa đẹp và chắc hạt hơn hẳn mọi năm. Kèm theo đó, hiện nay Nhà nước có quy định hỗ trợ giá nông sản cho nông dân nên giá mua vào tương đối ổn định, không bị giảm sâu như mọi năm. Việc tăng cường đưa cơ giới hóa vào thu hoạch lúa đã giúp nông dân giảm công lao động, tiết kiệm chi phí, đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến, đến giữa tháng 5, nông dân trên địa bàn huyện sẽ thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa đông xuân.

Đến nay, nông dân trên địa bàn huyện Ea Súp đã thu hoạch được 30% diện tích, năng suất bình quân từ 7 - 8 tấn/ha, đặc biệt có một số diện tích năng suất đạt trên 9 tấn/ha. Với giá bán hiện tại từ 5.800 - 6.000 đồng/kg tùy từng loại giống, nông dân có lợi nhuận từ 25 - 30 triệu đồng/ha.

Trang Vũ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.