Multimedia Đọc Báo in

Nông thôn mới ở Đắk Phơi

09:28, 29/04/2020

Là xã vùng 3, điều kiện phát triển kinh tế còn khó khăn nhưng xã Đắk Phơi (huyện Lắk) đã phát huy truyền thống cách mạng, vận động nhiều nguồn lực để tập trung xây dựng nông thôn mới, vươn lên xứng đáng là quê hương anh hùng.

Theo lịch sử Đảng bộ huyện Lắk, năm 1966 khi Mỹ - Diệm đàn áp mạnh mẽ các vùng Krông Bông, Lắk thì xã Đắk Phơi với vị trí đắc địa của mình đã được chọn làm khu căn cứ cách mạng với tên gọi là xã 1 và xã 2 của H10 theo yêu cầu của kháng chiến. Cũng vào những năm tháng ác liệt ấy, một số cán bộ nòng cốt của B5 Đắk Lắk như Ama Hri, Ama H'Oanh, Ama Lăk... đã được tăng cường xuống khu vực này để cùng nhân dân đứng lên kiên cường chống giặc.

Cánh đồng lúa buôn Chiêng Kao (xã Đắk Phơi) góp phần  mang đến cuộc sống ấm no cho người dân vùng căn cứ.
Cánh đồng lúa buôn Chiêng Kao (xã Đắk Phơi) góp phần mang đến cuộc sống ấm no cho người dân vùng căn cứ.

Trong những năm kháng chiến, đồng bào Đắk Phơi đã vót hàng nghìn mũi chông, đóng góp hàng trăm tấn lương thực, hàng nghìn ngày công phục vụ cách mạng. Nhiều gia đình còn nhịn ăn nhịn mặc, ăn than thay muối, đồng cam cộng khổ cùng kháng chiến. Không những đóng góp vật chất, hàng trăm thanh niên của Đắk Phơi cũng đã trực tiếp tham gia cầm súng và làm những công việc khác nhau cho cách mạng, nhiều người đã anh dũng hy sinh. Trên vùng đất này, chiến công của những Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như Ama Du, Ama Plang, Ama Oan ở buôn Liêng Kéh; Ama Nar, Ama Drông ở buôn Pai Ar... vẫn được con cháu đời sau tự hào kể mãi. Với những đóng góp lớn lao cho cách mạng, năm 1977, Đắk Phơi vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 
“Khuyến khích đồng bào mở rộng diện tích cây trồng, tăng cường hoạt động chuyển giao khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất; tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư phát triển giao thông, thủy lợi... là những giải pháp mà Đảng bộ, chính quyền xã Đắk Phơi đang tập trung triển khai để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”.
 
Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắk Phơi Y Ngoan Buôn Đáp

45 năm sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, từ một vùng quê nghèo chịu nhiều bom đạn ác liệt của chiến tranh, xã Đắk Phơi đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư từ nhiều chính sách, chương trình của Đảng và Nhà nước, cùng với truyền thống cách mạng kiên cường đã vươn lên đạt nhiều thành tích trên mặt trận xây dựng kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Ông Y Ngoan Buôn Đáp, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắk Phơi cho biết, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động và tranh thủ sức mạnh đồng thuận của nhân dân. Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Đắk Phơi đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư để hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2011 – 2019, tổng mức đầu tư trên địa bàn xã là trên 25 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhân dân trên địa bàn xã cũng đã hiến hàng chục nghìn mét vuông đất trồng nông nghiệp, phá bỏ nhiều diện tích cây trồng lâu năm như cà phê, điều… để giải phóng mặt bằng làm đường giao thông. Đến nay, 100% đường giao thông từ trung tâm xã đến các thôn, buôn được nhựa hóa, bê tông hóa; trên 50% đường liên thôn được cứng hóa…

Một tuyến đường nông thôn được bê tông hóa ở Đắk Phơi.
Một tuyến đường nông thôn được bê tông hóa ở Đắk Phơi.

Tuy nhiên, điều trăn trở lớn nhất của Đảng bộ và chính quyền địa phương nơi đây là tỷ lệ hộ nghèo hiện còn cao, chiếm 51,39%; thu nhập bình quân đầu người còn thấp, khoảng 17,5 triệu đồng/người/năm cho nên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập là những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của xã trong thời gian tới. Đây cũng là quyết tâm mà Đảng bộ và chính quyền xã đã đặt ra để có thể hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.