Multimedia Đọc Báo in

Lạc quan về mô hình cà chua Nova

06:16, 10/05/2020

Những năm gần đây, Đắk Lắk xuất hiện một loại cây trồng mới, đó là cà chua Nova. Người mang cây giống có nguồn gốc từ Mỹ này về thử nghiệm và thành công là chị Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Ban Mê Green Farm.

Sau khi nghỉ công việc Nhà nước, chị Thanh dồn tâm sức sáng lập và phát triển Công ty TNHH Ban Mê Green Farm với sản phẩm chính là trồng, chăm sóc các loại rau thủy canh.

Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, lại là người “ghiền” cà chua sống, chị Thanh luôn nung nấu ý tưởng trồng cà chua giá thể trên đất mới. Chị và cộng sự đã tỉ mỉ học hỏi kinh nghiệm trồng từ Đà Lạt, tuy vậy, quá trình thử nghiệm không hề dễ dàng bởi nhiều lần cà chua Nova chết hàng loạt. Rút kinh nghiệm từ thất bại, mọi người tiếp tục tìm hiểu, điều chỉnh dinh dưỡng, chuẩn hóa các khâu kỹ thuật cho loài cây này. Đầu năm 2019, cả tập thể vui mừng khi 1 sào cà chua Nova bắt đầu sinh trưởng tốt, cho thu hoạch với sản lượng cao.

Khách tham quan mô hình cà chua Nova.
Khách tham quan mô hình cà chua Nova.

Chị Thanh cho hay, cà chua Nova nhập giống từ Mỹ, mỗi lứa sinh trưởng và phát triển trong khoảng 10 tháng, trong đó cho thu hoạch chính từ 6 – 8 tháng với tổng sản lượng từ 9 – 12 tấn. Toàn bộ quy trình trồng cà chua đều tích hợp công nghệ thông minh, xung quanh khu vực trồng được quây lưới để ngăn côn trùng. Cây được trồng giá thể, tưới nhỏ giọt, nguồn dinh dưỡng chính là các loại khoáng chất và vi lượng. Quả cà chua Nova mang vẻ đẹp rực rỡ, màu vàng, hình thon dài, có vị thơm dịu, ngọt thanh, chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, giúp ngăn ngừa ung thư, chống lão hóa. Không mất công chế biến, cà chua Nova có thể hái và sử dụng ngay tại vườn như một loại trái cây thơm ngon, bổ dưỡng.

Với những đặc tính vượt trội, cà chua Nova dần lấy lòng khách hàng trong và ngoài tỉnh, được phân phối trong các siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh… Ngoài ra, trang trại còn kết nối các công ty du lịch nhằm thu hút du khách có mong muốn được trải nghiệm trực tiếp. 

Ngày càng mở rộng thị trường, mô hình cà chua Nova hiện đã phát triển tổng diện tích lên 7.000 m2 (7 farm) tại huyện Buôn Đôn và TP. Buôn Ma Thuột, dự kiến sẽ tiếp tục tăng diện tích trong thời gian tới. Các trang trại hiện tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 14 lao động, nhân viên, chưa kể lao động thời vụ với thu nhập bình quân 4 – 5 triệu đồng/tháng.

Không chỉ là người đầu tiên mang cà chua Nova về Đắk Lắk, chị Thanh còn kỳ vọng biến vùng đất bazan này thành vùng nguyên liệu cà chua, đưa nó trở thành đặc sản với nhiều loại sản phẩm, được “biến tấu” từ quả tươi. Đó là cà chua sấy, ngâm dầu oliu và các loại gia vị của Pháp; cà chua sấy dẻo; sinh tố cà chua, trái cây, phấn hoa và các sản phẩm cao cấp khác. Trong số đó, đặc biệt nhất có lẽ là rượu vang cà chua Nova. Với công thức, quy trình lên men hoàn toàn tự nhiên, loại rượu này không hề có mùi đặc trưng của cà chua, chỉ có màu vàng gạch (như màu sắc của quả), mùi mật ong, hương vị thơm ngon, ngọt mát, nếu chỉ nếm thử khó mà nhận ra nguồn gốc cà chua thực sự của rượu.

Những sản phẩm từ cà chua Nova.
Những sản phẩm từ cà chua Nova.

Việc “làm mới” cà chua Nova với nhiều sản phẩm không chỉ bảo đảm đầu ra, đa dạng sản phẩm, mà còn hứa hẹn tạo công ăn việc làm cho người nông dân trong bất cứ hoàn cảnh nào. Với quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, công ty đang hoàn thiện và dự kiến sẽ công bố bộ sản phẩm vào cuối năm 2020.

Chị Thái Thanh chia sẻ, công ty đang liên kết, phối hợp chuyển giao công nghệ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Khó khăn phía trước vẫn còn nhiều, nhưng chị tin sự đam mê sẽ là động lực để theo đuổi trọn vẹn giấc mơ, biến miền đất bazan thành vùng nguyên liệu cà chua Nova siêu lợi nhuận.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.