Multimedia Đọc Báo in

Nâng tầm vị thế cây vải chín sớm ở Đắk Lắk

08:53, 04/05/2020

Mặc dù chỉ mới phát triển rộ tại Đắk Lắk khoảng mười năm trở lại đây, nhưng với lợi thế chín sớm, chất lượng thơm ngon, cây vải đã mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để phát huy hơn nữa hiệu quả kinh tế của cây vải.

Ưu thế vải chín sớm

Bước vào vụ thu hoạch năm nay, các hộ trồng vải tại xã Ea Sar (huyện Ea Kar) rất phấn khởi vì cây vải được mùa, năng suất cao. Tại vườn vải của gia đình anh Lý Văn Thọ (thôn 2, xã Ea Sar), hàng chục lao động thời vụ đang tất bật thu hoạch, sơ chế, đóng thùng để giao hàng cho thương lái. Mặc dù mới thu hoạch năm thứ 2 nhưng vườn vải 300 gốc của gia đình anh đã cho thu được 7,5 tấn, quả to, đều, ngọt, mọng nước; thương lái thu mua tận vườn với giá 30.000 đồng/kg. Anh Thọ cho biết, dù giá bán vải thấp hơn thời điểm này năm ngoái từ 10.000 - 20.000 đồng/kg do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nhờ lợi thế cây vải ở đây chín sớm hơn vải ở các tỉnh phía Bắc chừng 1 tháng nên lúc nào cũng bán được giá cao hơn. Việc chuyển đổi từ trồng điều, cà phê sang trồng vải đem lại thu nhập cao và ổn định hơn.

Cán bộ địa phương tham quan vườn vải của gia đình anh Lý Văn Thọ (thôn 2, xã Ea Sar, huyện Ea Kar).
Cán bộ địa phương tham quan vườn vải của gia đình anh Lý Văn Thọ (thôn 2, xã Ea Sar, huyện Ea Kar).

Sau nhiều năm “theo đuổi” cây điều, ca cao nhưng không hiệu quả, năm 2010, gia đình ông Trần Văn Khuyến (thôn 3, xã Ea Sar) quyết định phá bỏ, chuyển đổi sang trồng 200 cây vải cho sản lượng trung bình 6 – 7 tấn/năm. Theo ông Khuyến, cây vải rất thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Trồng vải cũng khá nhàn, chỉ vất vả, tốn kém khi đầu tư ban đầu, nhưng có thể cho thu hoạch từ 20 đến 30 năm. “Lợi thế của cây vải chín sớm đã được khẳng định, chất lượng không thua kém vải thiều miền Bắc, nhưng giá bán luôn cao hơn, đầu ra thuận lợi, ông Khuyến cho biết.

Xã Ea Sar hiện có 300 ha vải, trong đó 160 ha đã bước vào thời kỳ kinh doanh, với năng suất trung bình 16 tấn/ha. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sar Văn Đình Thìn, cây vải bắt đầu phát triển mạnh ở địa phương từ năm 2010. Với lợi thế chín sớm, vải luôn bán được giá cao, đầu ra thuận lợi, giúp nông dân thu về 450 – 500 triệu đồng/ha mỗi năm, cao gấp vài chục lần so với trồng cà phê. Để hỗ trợ nông dân chuyển đổi từ cây điều, cà phê kém hiệu quả sang trồng vải, xã đã hỗ trợ cây giống cho 12 mô hình, phối hợp mở lớp tập huấn về trồng, chăm sóc cây vải, tổ chức các hội nghị gặp gỡ, kết nối giữa chính quyền, nông dân, doanh nghiệp nhằm tạo cơ hội tiêu thụ nông sản cho nông dân. Cây vải chín sớm đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Tại huyện Krông Pắc, cây vải miền Bắc cũng được trồng thử nghiệm từ khá lâu và nhiều hộ dân đã nhân rộng với quy mô lớn để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Hiện nay trên địa bàn huyện Krông Pắc có khoảng 40 ha vải, năng suất bình quân đạt trên 10 tấn/ha, được trồng chủ yếu tại các xã Ea Kly, Ea Kuăng và thị trấn Phước An. Huyện cũng đang có hướng mở rộng diện tích trồng vải tại một số vùng phù hợp, tạo thêm thế mạnh phát triển cây ăn trái cho ngành Nông nghiệp huyện.

Nghiên cứu quy trình  sản xuất phù hợp cho cây vải

Theo những nông dân trồng vải giàu kinh nghiệm, để trồng thành công loại cây này nông dân phải nắm rõ đặc tính sinh học của cây nhằm có biện pháp chăm sóc điều chỉnh sao cho phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng vùng trồng. Bởi chỉ cần thiếu sót một trong những yếu tố tác động sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây vải. Như trường hợp vườn vải 600 cây của gia đình nông dân Vũ Trọng Luyến ở phường Thiện An (TX. Buôn Hồ), năm nay chỉ có 200 cây cho quả, với tổng sản lượng vải thu hoạch khoảng 6 tấn vải tươi, bình quân năng suất chỉ đạt 30 kg/cây. Ông Luyến cho biết, do sơ suất trong kỹ thuật khoanh vỏ để kích thích phân hóa mầm hoa của người làm công, vườn vải nhà ông đã bị chết mất 60 cây, số cây còn lại không cho thu hoạch. Qua đó cho thấy kỹ thuật khoanh vỏ cây vải hết sức quan trọng trong việc canh tác loại cây này.

Vườn vải của hộ ông Trần Văn Khuyến (thôn 3, xã Ea Sar, huyện Ea Kar).
Vườn vải của hộ ông Trần Văn Khuyến (thôn 3, xã Ea Sar, huyện Ea Kar).

Bên cạnh đó, yếu tố nhiệt độ cũng liên quan mật thiết đến quá trình ra hoa đậu quả của cây vải Đắk Lắk. Biên nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch càng lớn thì sự tăng trưởng của vải càng tốt. Trong thời kỳ phân hóa mầm hoa, cây vải phù hợp với nhiệt độ dưới 130C, vì thế năm nào Đắk Lắk có mùa đông ít lạnh thì cây vải ra hoa kém. Nhiệt độ thích hợp để cây vải thụ phấn là 18 - 240C.

Việc nắm vững nhu cầu dinh dưỡng và bón phân cho vải cũng rất cần thiết. Tuy nhiên thời gian qua, những công trình nghiên cứu về sinh trưởng và dinh dưỡng cây vải chưa nhiều, nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Chẳng hạn, muốn có 100 kg quả trên những chân đất nào đó thì cần bón bao nhiêu phân, bón những loại phân gì, tỷ lệ ra sao, vào thời kỳ nào?... chưa được nghiên cứu để nông dân ứng dụng vào thực tế. Vì thế nông dân trồng vải chủ yếu chăm sóc cây qua kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, hay tìm hiểu qua các trang mạng về các quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc vải chung chung mà chưa được hướng dẫn các biện pháp căn cứ vào đất đai, độ tuổi cũng như tình trạng của cây để có phương pháp bón phân phù hợp.

Một khó khăn nữa trong trồng vải là nhân giống. Hiện nay bà con trồng vải trên địa bàn tỉnh thường sử dụng giống vải từ biện pháp chiết cây để giữ được những đặc tính tốt của cây mẹ, cho năng suất cao. Tuy nhiên, biện pháp này có hệ số nhân giống thấp; bộ rễ của giống cây vải chiết từ cành ăn nông (từ 0 – 60 cm) nên không thuận lợi trong mùa gió của Tây Nguyên cũng như cây khó khai thác nước và dinh dưỡng ở tầng thấp, cần phải đầu tư tưới tiêu đầy đủ. Trong khi đó, thị trường giống cây vải phần lớn chưa được chứng nhận của các cơ quan chức năng nên nông dân không đủ niềm tin để mở rộng phát triển sản xuất.

Thực tế cho thấy hiệu quả kinh tế của cây vải cao hơn nhiều so với một số loại cây trồng khác. Để phát triển nhân rộng diện tích loại cây này, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng phối hợp với các nhà khoa học để đầu tư nghiên cứu, đưa ra quy trình xác thực về phát triển sản xuất vải trên những chân đất và tiểu khí hậu phù hợp.

Tiến tới xây dựng mã vùng trồng

Để phát huy lợi thế của cây vải, những địa phương trồng vải đã hướng dẫn cho các nhà vườn canh tác theo hướng bền vững và tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi. Như huyện Ea Kar là địa phương có diện tích trồng vải lớn nhất của tỉnh (trên 300 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 200 ha, sản lượng bình quân hằng năm đạt khoảng 3.000 tấn) đã xây dựng được 15 ha vải sản xuất theo hướng VietGAP, đồng thời thành lập được tổ hợp tác sản xuất vải tại xã Ea Sar. Huyện cũng đã tổ chức một số hội thảo kết nối thương mại giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với những vùng trồng vải trên địa bàn. Theo đó, đã có khá nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân để bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Theo Sở NN-PTNT, những năm gần đây, cây vải được nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh lựa chọn để chuyển đổi cây trồng trên những vùng đất xấu hoặc những vườn cà phê, tiêu kém năng suất, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Kar, Krông Pắc, Krông Năng, M’Đrắk, thị xã Buôn Hồ… Lợi thế lớn nhất của cây vải ở Đắk Lắk là luôn chín sớm hơn vụ vải ở ngoài Bắc khoảng 1 tháng (vào tháng 4, tháng 5) do điều kiện khí hậu khác nhau. Quả vải Đắk Lắk được thị trường ưa chuộng bởi màu đỏ tươi đẹp mắt, cùi mọng, hương thơm, ngọt thanh đến ngọt đậm pha nhẹ vị chua dễ chịu, chất lượng không thua kém vải ở miền Bắc.

Chính vì vậy nên thương lái thu mua với giá cao hơn, tạo nguồn thu nhập cao cho nông dân. Hiện quả vải là 1 trong 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, theo quy định của Trung Quốc, quả tươi nhập vào nước này bắt buộc phải có thông tin truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng và cơ sở đóng gói. Để có cơ sở đề nghị Cục Bảo vệ thực vật xem xét cấp mã vùng trồng cho quả vải Đắk Lắk nhằm tạo điều kiện cho quả vải của tỉnh được xuất khẩu, Sở NN-PTNT đã hướng dẫn các huyện trọng điểm vải rà soát, thống kê diện tích cây vải trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên (tại Đắk Lắk) cho biết, hiện công ty đang kết nối với nông dân đặt hàng tại các vườn, với số lượng trên 500 tấn để phân phối cho thị trường trong nước. Hiện thị trường vải chín sớm khá ổn, mặc dù năm nay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, giá có giảm nhiều so với mọi năm nhưng nhu cầu vẫn khá cao. Để phát huy được lợi thế vải chín sớm, đồng thời nâng cao giá trị và ổn định về thị trường, công ty cũng đang phối hợp với Sở NN-PTNT tiến hành xây dựng mã vùng trồng cho cây vải Đắk Lắk nhằm xâm nhập vào thị trường nước ngoài trong thời gian tới.

Hiện toàn tỉnh có 706 ha vải, trong đó 635 ha đang cho thu hoạch, với sản lượng hơn 3.631 tấn, gồm các giống vải U Hồng, Phúc Hòa, Hồng Quyết, Bình Khê… Có đến 80% vải Đắk Lắk tiêu thụ nội địa, 20% xuất khẩu sang Trung Quốc.

Minh Thuận - Nguyễn Xuân - Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.