Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui từ công trình đường điện hạ thế ở buôn Khanh

08:44, 07/05/2020

Đường điện hạ thế tại buôn Khanh, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) vừa được đưa vào sử dụng đã giúp hàng chục hộ đồng bào Êđê trong buôn có rẫy bên suối thuận lợi hơn trong bơm tưới cà phê vào thời kỳ đỉnh điểm của mùa khô.

Đường điện hạ thế có chiều dài 2.000 mét, gồm 36 trụ, 20 công tơ điện với tổng chi phí gần 400 triệu đồng; trong đó ngân sách xã 318 triệu đồng và các hộ dân có rẫy bên suối đóng góp 70 triệu đồng. Ngay khi công trình được đưa vào sử dụng đã mang lại lợi ích rõ rệt cho người dân.

Gia đình ông Ama Phiang có 1,2 ha cà phê năm thứ 6 bên suối Krông Bông. Trước đây vào mùa khô, ông phải bơm tưới cà phê bằng máy nổ. Đã 80 tuổi nên mỗi lần bơm tưới Ama Phiang phải thuê thêm mấy nhân công để vận chuyển máy nổ, ống dây, dầu nhớt; chi phí mua dầu chạy máy nổ cũng rất tốn kém. Mỗi đợt tưới, Ama Phiang phải chi khoảng 2 triệu đồng cho tiền dầu, nhớt để chạy máy. Chi phí nhiều trong khi giá cà phê thất thường khiến hiệu quả kinh tế không cao.

Khi UBND xã có chủ trương hỗ trợ kinh phí thi công đường điện bên suối Krông Bông để các hộ có rẫy tưới nước bằng máy bơm điện thì gia đình Ama Phiang đồng ý ngay. Điện được kéo đến rẫy, ông đã đăng ký nộp tiền và mua luôn máy bơm điện về lắp đặt tưới cà phê. Ama Phiang phấn khởi: “Việc bơm tưới cà phê giờ đây không còn vất vả, tốn kém như trước nữa. Chỉ cần một mình lắp béc tưới và bật công tắc điện là có thể tưới được cho cả rẫy. Mỗi kWh điện được tính giá 2.000 đồng nên mỗi đợt tưới gia đình mình chỉ tốn khoảng 600 nghìn đồng tiền điện”.

Có điện lưới, việc tưới cà phê của gia đình chị H'Nhuôn Niê thuận tiện hơn.
Có điện lưới, việc tưới cà phê của gia đình chị H'Nhuôn Niê thuận tiện hơn.

Không chỉ Ama Phiang, khi có điện nhiều gia đình khác cũng đăng ký và đầu tư mua máy bơm điện tưới cà phê. Như Amí Phi đầu tư 7 triệu đồng mua máy bơm điện để tưới cho 2.500 cây cà phê và mấy sào sắn. Trước đây mỗi lần tưới gia đình bà cũng chi phí ít nhất 2 triệu đồng tiền dầu. Giờ có điện bơm tưới thoải mái mà gia đình bà chỉ trả hơn 1,1 triệu đồng tiền điện. Hay gia đình chị H’Nhuôn Niê có 1,1 ha cà phê trồng trên đất đồi. Trước đây khi vào mùa tưới, vợ chồng chị phải tranh thủ ngày nghỉ làm việc ở cơ quan vận chuyển máy nổ, ống dây, dầu qua suối. Giờ có điện nên việc tưới nước rất nhẹ nhàng, chỉ cần một người. Ông Y Theng Mdrang, Trưởng buôn Khanh cho biết: “Chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ người dân kéo đường điện ra rẫy bên suối cho bà con tưới cà phê. Buôn đã họp và vận động các hộ dân có rẫy tham gia đăng ký. Thấy được hiệu quả của việc tưới bằng bơm điện vừa tiết kiệm được công sức, chi phí lại rẻ so với tưới bằng máy nổ nên ai cũng đồng thuận đăng ký, đóng góp thêm kinh phí để kéo điện và lắp đặt 20 công tơ. Mỗi công tơ có từ 3 - 5 hộ dùng chung. Để giảm bớt chi phí, khi kéo điện, buôn đã vận động các hộ dân có rẫy bên suối mỗi hộ đóng góp 3 ngày công để dựng cột, đổ móng cột, kéo dây”.

Người dân buôn Khanh hiện có khoảng 35 ha cà phê bên kia suối Krông Bông và hàng chục héc-ta sắn, ngô lai. Hiện nay đã có 74/80 hộ đăng ký cùng đóng góp một phần kinh phí kéo điện sử dụng bơm tưới cà phê trong mùa khô. UBND xã Cư Pui đã đứng ra hợp đồng với Điện lực Krông Bông kéo điện cho người dân sử dụng. Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết: “Kéo điện là việc làm cấp bách, cần thiết và để cho bà con sử dụng lâu dài nên địa phương quyết định trích ngân sách hỗ trợ người dân buôn Khanh. Mấy năm qua, hàng chục hộ dân buôn Khanh có rẫy bên suối phải tưới nước bằng máy nổ, vất vả khi vận chuyển máy qua suối, chi phí dầu nhớt lại cao trong khi giá cà phê xuống thấp. Trước mắt, xã bỏ ra toàn bộ số tiền hợp đồng kéo điện về cho bà con tưới ngay trong mùa khô. Khi thu hoạch mùa vụ, bà con sẽ hoàn trả số tiền này lại cho xã”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.