Thêm hướng phát triển kinh tế ở huyện M'Đrắk
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở huyện M’Đrắk đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất trồng sắn, mía kém hiệu quả sang trồng sả Java lấy tinh dầu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua tìm hiểu và tham quan một số mô hình trồng sả lấy tinh dầu ở huyện Ea Súp, chị Đào Thị Thi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Krông Á nhận thấy cây sả phù hợp với điều kiện của địa phương. Cuối năm 2019, sau khi tìm kiếm được đơn vị thu mua, chị Thi đã vận động hội viên, nông dân chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng sả để phát triển kinh tế. Về phần mình, chị đã bỏ ra 200 triệu đồng đầu tư xây dựng lò chưng cất tinh dầu sả để phục vụ cho việc chế biến tinh dầu sả của người dân. Hiện mỗi ngày lò chưng cất của chị nhận chế biến từ 1,5 - 2 tấn lá sả. Ngoài ra, chị còn thu mua lá sả của bà con trong vùng và một số xã lân cận của huyện Ea Kar như Ea Păl, Cư Yang… với giá 1.500 đồng/kg.
Người dân xã Krông Á (huyện M’Đrắk) kiểm tra lò chưng cất trước khi tiến hành ép tinh dầu sả. |
Gia đình ông Nguyễn Văn Tuân (thôn 2, xã Krông Á) được biết đến là một trong những hộ tiên phong trồng sả Java tại địa phương. Trước đây, do đất xấu không thể trồng được cây công nghiệp lâu năm nên gia đình ông Tuân chỉ trồng mía, song hiệu quả kinh tế không cao. Cuối năm 2019, sau khi được Hội Nông dân xã giới thiệu về hiệu quả của cây sả, ông đã quyết định mua giống về trồng thử trên 8 sào đất của gia đình. Sau 3 tháng trồng và chăm sóc, sả đã cho thu hoạch đợt đầu tiên với 8 tấn lá. Sau khi mang đi ép, ông Tuân thu được 80 lít tinh dầu sả. Với giá bán 320.000 đồng/lít, sau khi trừ chi phí ông Tuân thu lãi hơn 20 triệu đồng. Thấy cây sả phát triển tốt, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư lại ít nên ông Tuân đã mở rộng quy mô trồng sả lên 1,2 ha. Ông Tuân cho biết: “So với trồng mía, sắn thì lợi nhuận thu được từ cây sả cao hơn gấp 2-3 lần. Sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi sào sả cho lãi hơn 10 triệu đồng".
Nhận thấy cây sả phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương, nhiều hộ dân đã mang cây sả trồng trên những diện tích đất bỏ hoang, kém hiệu quả hay trồng xen trong các vườn cây để có thêm nguồn thu. Như ông Nguyễn Lưu Dũng (thôn 2, xã Krông Á) trồng xen sả trên 3 sào đất cà phê của gia đình. Đến nay, sả đã thu hoạch được 2 đợt, cho 20 lít tinh dầu/đợt giúp ông thu lãi gần 6 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Tuân (thôn 2, xã Krông Á) thu hoạch lá sả. |
Chủ tịch Hội Nông dân xã Krông Á Đào Thị Thi
|
Chị Đào Thị Thi cho biết, trên địa bàn xã Krông Á hiện có hơn 10 hộ trồng sả với tổng diện tích 5 ha tập trung tại thôn 2, 3 và 6. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ các mô hình trồng sả, Hội Nông dân xã đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng sả lên 20 ha trong năm tới, đồng thời xúc tiến thành lập Hợp tác xã chế biến tinh dầu sả nhằm tạo dựng thương hiệu và giúp cho việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn.
Từ hiệu quả thực tế mà mô hình trồng sả ở xã Krông Á mang lại, một số địa phương trên địa bàn huyện M'Đrắk như xã Ea Lai, Ea Pil, Ea Riêng… cũng đã chuyển đổi những diện tích đất sản xuất nông nghiệp năng suất thấp sang trồng sả giúp bà con nông dân từng bước cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Theo ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện M’Đrắk, sả là loại cây dễ trồng do không kén đất và có thể sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu khô nóng. Bước đầu cho thấy, cây sả đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác (như sắn, mía), mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương, giúp một bộ phận người dân thoát nghèo nhờ có sự liên kết trong sản xuất. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng khi mở rộng diện tích, đồng thời cần tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc cây sả và phải thay gốc đúng chu kỳ để đảm bảo năng suất.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc