Multimedia Đọc Báo in

"Ôm" nợ vì... tiêu

08:28, 25/06/2020

Thời gian gần đây, nhiều diện tích tiêu ở xã Ea Tân (huyện Krông Năng) chết hàng loạt, giá tiêu lại liên tục lao dốc, khiến người nông dân điêu đứng, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Nhận thấy tiêu được giá, năm 2010, gia đình anh Nguyễn Văn Nghi (thôn Ea Heo) đã chuyển đổi 8 sào đất trồng cà phê để đầu tư trồng 400 trụ tiêu. Năm 2013, gia đình anh vay ngân hàng 2 tỷ đồng, mua thêm hơn 2 ha đất để tiếp tục trồng tiêu, với hy vọng đổi đời từ cây “vàng đen” này. Tuy nhiên, đến giai đoạn tiêu vừa phủ trụ, cho thu vụ chính cũng là lúc tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh chết chậm và nhanh chóng lan rộng ra cả vườn, 3.000 trụ tiêu của gia đình anh chết sạch.

 Cán bộ  Hội Nông dân  xã Ea Tân  (bên trái)  kiểm tra  tình trạng  tiêu nhiễm bệnh  trên địa bàn.
Cán bộ Hội Nông dân xã Ea Tân (bên trái) kiểm tra tình trạng tiêu nhiễm bệnh trên địa bàn.

Để cứu cây trồng, anh tham gia một số cuộc hội thảo tìm nguyên nhân và mua nhiều loại thuốc để xử lý, thế nhưng vẫn không cứu vớt được. Không thể vay mượn của ngân hàng được nữa, anh đành nhờ đến anh em, họ hàng để trồng gần 300 cây bơ vào khu đất trồng tiêu trước đó. Những tưởng gia đình sẽ có thêm chút vốn từ cây bơ để đầu tư phát triển lại vườn, tích góp trả nợ ngân hàng, nhưng năm nay, khi bơ bắt đầu cho thu vụ chính thì lại chịu ảnh hưởng của thời tiết, vườn bơ hầu như mất trắng. Anh Nghi buồn rầu tâm sự, đầu tư thua lỗ, kinh tế gia đình ngày một sa sút, vợ chồng anh đành phải đi làm thuê ở xã khác, con cái vì vậy cũng phải bỏ học để đi làm công nhân. Với khoản nợ lớn như vậy, gia đình anh không có khả năng chi trả.

Cùng chung cảnh nợ nần vì tiêu, gia đình ông Nguyễn Văn Thiều (thôn Ea Heo), cũng chuyển đổi 4,7 ha trồng độc canh cà phê đã già cỗi sang trồng tiêu. Để có vốn đầu tư trồng và chăm sóc tiêu, gia đình ông cũng phải thế chấp đất để vay vốn lên đến cả tỷ đồng. Nhờ được chăm sóc kỹ lưỡng, vườn tiêu phát triển xanh tốt, gia đình ông rất vui mừng, hy vọng một mùa bội thu. Thế nhưng, cây mới phủ trụ, chưa được thu hoạch thì bị hiện tượng vàng lá, thối rễ. Chỉ trong vòng năm ngày sau, cây đã chết khô, lá rụng đầy gốc. Tình trạng đó cứ tiếp diễn, khiến 7.000 cây tiêu của gia đình chết dần, chỉ còn trơ trọi lại trụ. Nợ nần chồng chất, gia đình ông vẫn cần cù bám đất, bám vườn. Ông trồng lại cây ăn quả và đăng ký mua 2.000 cây cà phê của Hội Nông dân xã để phát triển lại từ đầu. Hiện tại, cây trồng chưa cho thu hoạch, gia đình cũng cạn kiệt vốn nên ông phải cố gắng chăm sóc vườn cây, được tới đâu hay tới đấy. “Không có tiền thuê nhân công, hằng ngày hai vợ chồng phải cặm cụi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Đã vậy, nỗi lo về khoản nợ ngân hàng và tiền lãi hằng tháng cũng khiến tôi mất ăn, mất ngủ”, ông Thiều thở dài.

Vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Văn Thiều (thôn Ea Heo, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) đã chết khô.
Vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Văn Thiều (thôn Ea Heo, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) đã chết khô.

Trước đây, cà phê là cây trồng chính ở xã Ea Tân. Khoảng từ năm 2013, cây tiêu bắt đầu phát triển mạnh ở địa phương, nhiều người dân đã chặt bỏ cà phê để chuyển sang trồng tiêu. Để có vốn phát triển vườn cây, đa phần người dân đều phải vay mượn ngân hàng. Thế nhưng khi vườn chỉ mới bắt đầu được thu hoạch thì tiêu rớt giá và nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, tháo đốt… Tình trạng đó xảy ra ở hầu hết các vườn trên địa bàn xã, nhiều người dân cũng vì thế mà ôm nợ, thậm chí bỏ đất đai, nhà cửa.

 

“Trước tình cảnh nợ nần chồng chất, người trồng tiêu chỉ mong muốn các ngân hàng có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn nợ để họ có thời gian, điều kiện phát triển lại vườn cây, tích góp trả nợ ngân hàng”.

 

 
Ông Nguyễn Văn Thiều (thôn Ea Heo, xã Ea Tân, huyện Krông Năng)

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tân cho biết, hiện xã có hơn 1.200 ha tiêu, nhưng hiện tượng tiêu chết ở địa phương vẫn đang diễn ra, chưa tìm được cách cứu chữa, nhiều diện tích cho năng suất thấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thời tiết biến đổi thất thường; cây giống không đảm bảo; người dân mở rộng diện tích một cách ồ ạt, chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc, sử dụng các loại thuốc, phân bón quá liều… Nhiều người thua lỗ vì tiêu và đa phần đều nợ ngân hàng từ vài trăm triệu đồng cho đến vài tỷ đồng.

Để chia sẻ khó khăn với bà con, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk hỗ trợ cung cấp cây giống cà phê cho người dân với giá ưu đãi 1.500 đồng/cây. Trong 6 tháng đầu năm nay, Hội đã cung ứng cho người dân 45.000 cây cà phê giống, giúp người dân giảm bớt chi phí đầu tư, có cơ hội phát triển lại vườn cây. Nhiều người dân đã chủ động trồng lại cà phê thay vào diện tích tiêu đã chết.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.