Multimedia Đọc Báo in

Phục hồi sản xuất công nghiệp: Đồng bộ các giải pháp

08:27, 30/06/2020

Sau giai đoạn phải “ngủ đông” do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều giải pháp đã được triển khai giúp ngành công nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp (DN) công nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, nhiều DN thiếu nguyên liệu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất, số lượng đơn hàng, nhất là đơn hàng mới giảm mạnh, xuất khẩu bị ách tắc. Đối với các ngành thị trường chủ yếu trong nước như: chế biến ca cao, mắc ca… thì sức tiêu thụ cũng yếu do lượng khách du lịch đến Việt Nam nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng không nhiều.

Ngoài ra, đây cũng là giai đoạn hầu hết các đơn vị gặp khó khăn về tài chính do phát sinh nhiều chi phí nên không ít DN tạm dừng sản xuất, cầm cự để chờ cơ hội hồi phục. Cụ thể, theo rà soát, đánh giá của cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 68 DN, 520 hộ kinh doanh, 4 hợp tác xã giải thể và 279 DN, 1.876 hộ kinh doanh, 16 hợp tác xã ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, tổng doanh thu của các DN bị thiệt hại 941,5 tỷ đồng, trong đó có 335 DN bị thiệt hại từ 70% doanh thu trở lên, 264 DN bị thiệt hại từ 30 – 70% và 263 DN thiệt hại dưới 30%.

Sản xuất ngói màu tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Thụ (thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar).
Sản xuất ngói màu tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Thụ (thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar).

Theo Sở Công thương, hoạt động sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) từ đầu năm đến nay đạt 9.257 tỷ đồng, tương đương gần 33,7% kế hoạch, giảm 2,66% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, một số sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn bị giảm mạnh, ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung của chỉ số toàn ngành công nghiệp như: chế biến cà phê nhân (giảm 17% so với cùng kỳ năm trước), cà phê bột (giảm 25%), bia các loại (giảm 38%), luyện cán thép (giảm 36%)...

Để DN trong ngành công nghiệp có thể phục hồi và phát triển sau giai đoạn khó khăn, nhiều giải pháp đã được UBND tỉnh và các sở, ngành triển khai. Những giải pháp thiết thực nhất được đưa ra là đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh một cách đồng bộ; triển khai các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ... đối với các DN gặp khó khăn. Bên cạnh đó, đôn đốc tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy đầu tư các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Bốc xếp sản phẩm tại nhà máy chế biến cà phê Intimex Buôn Ma Thuột.
Bốc xếp sản phẩm tại nhà máy chế biến cà phê Intimex Buôn Ma Thuột.

Đối với ngành Công thương, nhiệm vụ trọng tâm là theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, tham mưu UBND tỉnh và các ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nắm tình hình sản lượng nguyên liệu nông lâm sản để các nhà máy chế biến bảo đảm nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, bảo đảm sản lượng qua chế biến, tăng giá trị sản xuất công nghiệp như cà phê, tinh bột sắn, đường, hạt điều, ngô…; tăng cường hỗ trợ, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm đối với các nhà máy chế biến nông lâm sản, nhằm phát huy tối đa công suất, bảo đảm tăng trưởng sản lượng, giải quyết hàng tồn kho; đẩy mạnh hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ổn định, lâu dài; triển khai có hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế đối với hoạt động thương mại tự do song phương, đa phương và xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa. Sở Công thương cũng sẽ chú trọng công tác kiểm tra an toàn các hồ, đập và kế hoạch điều tiết nước các công trình thủy điện, bảo đảm tăng sản lượng điện trên địa bàn.

Tín hiệu khả quan cho tăng trưởng công nghiệp trong năm 2020 là từ nay đến cuối năm, nhiều dự án năng lượng đi vào hoạt động gồm: Dự án Trang trại phong điện Tây Nguyên tại huyện Ea H’leo (công suất 28 MW), giai đoạn 2 Dự án điện mặt trời Jang Pông (20 MWp), cụm 5 nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện tại huyện Ea Súp (720 MWp).

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.