Multimedia Đọc Báo in

Khẳng định thương hiệu "Mắc ca Krông Năng"

05:10, 14/07/2020

Mắc ca - loại cây được gọi là “nữ hoàng quả khô” đã "bén duyên" với vùng đất đỏ Krông Năng chừng 15 năm nay. Loại cây này đang phát triển đúng hướng và từng bước trở thành thương hiệu đáng tự hào của địa phương.

Huyện Krông Năng hiện có khoảng 500 ha mắc ca được trồng thuần và trồng xen, tập trung nhiều nhất tại các xã Ea Puk, Cư Klông, Ea Tam, Phú Lộc và Dliê Ya. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, đa phần diện tích mắc ca được trồng bằng các loại giống cây ghép, hiện đã cho thu hoạch với năng suất 3,5 – 4 tấn/ha. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất như máy xay, máy sơ chế, phòng bảo quản… để chế biến hạt mắc ca.

Xưởng chế biến mắc ca của Công ty Cổ phần Damaca  Nguyên Phương.
Xưởng chế biến mắc ca của Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương.

Một trong những người đang nỗ lực nâng tầm thương hiệu mắc ca Krông Năng là chị Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương. Lớn lên trên vùng đất này, chị Phương nhận thấy cây mắc ca ở đây có chất lượng tốt, nhưng đầu ra hầu như không có, trong khi các sản phẩm nhập khẩu được bán với giá rất cao. Với quyết tâm khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương, năm 2016, chị từ bỏ công việc ở Đà Nẵng để về Đắk Lắk, bắt tay vào tìm hiểu công nghệ kỹ thuật, thị trường tiêu thụ và mua máy móc chế biến mắc ca. Giữa năm đó, lô sản phẩm “mắc ca sấy dập nứt” mang thương hiệu Mắc ca Đắk Lắk Nguyên Phương lần đầu tiên được tung ra thị trường và được người tiêu dùng đón nhận.

Sau một năm, công ty của chị xuất ra thị trường 25 tấn hạt mắc ca, trừ chi phí còn lãi 450 triệu đồng. Hiện công ty đã đầu tư 4 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị, công suất 200 tấn/năm, với các sản phẩm: mắc ca dập nứt, chocola mắc ca, tinh dầu mắc ca. Ngoài phân phối sản phẩm ở thị trường trong nước, hiện nay sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu qua các nước châu Á. Đơn vị tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, công ty sẽ liên kết với người dân địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, diện tích 100 ha, xây dựng các tiêu chuẩn cho sản phẩm, nhà xưởng và vườn cây. Đồng thời, phát triển các sản phẩm mắc ca chế biến sâu nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

 
“Cây mắc ca đã có những cơ sở thuận lợi để phát triển bền vững khi những vấn đề về giống, quy hoạch phát triển vùng trồng, quy trình kỹ thuật sản xuất đã được nghiên cứu, hoàn chỉnh. Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã kết nối các vùng sản xuất với các vườn ươm giống được kiểm soát và bảo đảm chất lượng”.
 
Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam Nguyễn Lân Hùng

Để trồng mắc ca thành công, cây giống là yếu tố quan trọng hàng đầu. Do đó, tại huyện Krông Năng đã có những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cây giống đạt chất lượng cao, đơn cử như Công ty Cổ phần HD Đắk Lắk. Đơn vị hiện có vườn ươm diện tích 10 ha, được đầu tư bài bản tại khu vực đồi 900 (xã Dliê Ya), mỗi năm cung cấp ra thị trường 500.000 cây giống mắc ca ghép. 

Vườn ươm của công ty sản xuất được 13 dòng mắc ca ghép, trong đó có 10 dòng được Bộ NN-PTNT khuyến cáo nên trồng. Cây giống ở đây không chỉ cung cấp cho người dân địa phương mà còn cung cấp cho thị trường các tỉnh Tây Bắc. Ngoài sản xuất cây giống, công ty đang xây dựng kế hoạch liên kết với ngân hàng và người dân địa phương để trồng mắc ca thu hạt với diện tích 10.000 ha. Theo đó, người dân được hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, cam kết bao tiêu sản phẩm lâu dài và vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, công ty bảo đảm cây sẽ cho thu hoạch từ 3 – 4 năm, nếu không sẽ được đền bù toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu.
Vườn mắc ca của người dân xã Ea Puk, huyện Krông Năng.
Vườn mắc ca của người dân xã Ea Puk, huyện Krông Năng.
 
Để nâng tầm thương hiệu, giá trị cây mắc ca, huyện Krông Năng nỗ lực phát triển mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân. Từ đó tạo thành chuỗi liên kết trong việc tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phát triển mắc ca, trong đó chú trọng vào chất lượng cây giống, sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho nông sản này.
 
Minh Thông

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.