Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu từ nguồn lúa gạo địa phương

11:24, 03/07/2020

Năm 2003, gia đình anh Lưu Văn Chung từ Nam Định vào thôn 16, xã Ea Lê (huyện Ea Súp) làm kinh tế mới.

Ban đầu với sự hỗ trợ từ chính quyền, gia đình anh Chung được cấp 4.000 m2 đất ruộng và 1.000 m2 đất ở. Sau một thời gian làm ruộng, anh nhận thấy nhu cầu sử dụng các sản phẩm làm từ bún, phở khô của người dân tại đây rất lớn, trong khi đó các mặt hàng này chủ yếu nhập từ TP. Buôn Ma Thuột, cước xe đắt đỏ dẫn đến giá bán cao. Anh mạnh dạn đầu tư 15 triệu đồng tiền tích góp mua máy làm bún khô. Do việc lắp ráp và sử dụng máy đơn giản nên hằng ngày anh sản xuất được khoảng 2 tạ bún khô bán cho người dân địa phương và bỏ hàng cho các đại lý quanh vùng.

Anh Chung kiểm tra  sản phẩm  bún khô  trước khi  đóng gói.
Anh Chung kiểm tra sản phẩm bún khô trước khi đóng gói.

Đến năm 2013, nhận thấy địa phương là vựa lúa lớn, anh Chung bàn với gia đình đầu tư 100 triệu đồng xây dựng nhà máy xay xát liên hoàn, vừa phục vụ nhu cầu của người dân vừa thuận tiện hơn cho việc mua nguyên liệu để làm bún. Đến năm 2015, anh tiếp tục vay mượn đầu tư xây dựng nhà máy sấy với công suất 10 tấn/ngày. Chịu khó nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật nên việc sản xuất, kinh doanh nhà máy xay lúa, lò sấy lúa của gia đình anh ngày càng đạt hiệu quả, quy mô dần được mở rộng. Sau khi bà con thu hoạch lúa xong, anh mua lúa về sấy, dự trữ trong kho rồi xay thành gạo cung cấp ra thị trường. Vào lúc cao điểm, mỗi tháng cơ sở xay xát của anh Chung bán ra hàng chục tấn gạo các loại. Anh Chung còn cẩn thận lựa chọn gạo phù hợp để có thể sản xuất ra những sản phẩm bún khô vừa ngon, vừa đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, anh còn tận dụng vỏ trấu để đun lò sấy giúp giảm chi phí mua nguyên liệu đốt lò. Vụ lúa năm 2019, gia đình anh Chung đã nhận sấy trên 1.000 tấn lúa và liên kết với các đại lý để xay xát hơn 600 tấn lúa vừa bán gạo vừa làm bún; sau khi trừ chi phí, gia đình anh lãi khoảng 200 triệu đồng.

Anh Chung chuẩn bị hàng để giao cho khách.
Anh Chung chuẩn bị hàng để giao cho khách.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Lê nhận xét: “Nhờ sự năng động, nắm bắt tốt nhu cầu của thị trường, từ một hộ khó khăn, anh Chung đã vươn lên trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Anh còn đóng góp đầy đủ các loại quỹ, tích cực tham gia ủng hộ công tác an sinh xã hội, giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn”.

Trang Vũ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.