Nhạy bén để làm giàu
Nhờ cần cù, ham học hỏi và năng động trong sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình ở huyện Krông Ana đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, có nhiều đóng góp cho địa phương, xã hội.
Khấm khá nhờ nuôi vịt
Rời quê hương Phú Thọ vào thôn Sơn Trà (xã Bình Hòa) lập nghiệp hơn 20 năm trước với công việc chính là làm thuê làm mướn, giờ đây ông Hán Vinh Hà đã trở thành hộ làm ăn kinh tế giỏi của huyện.
Ông Hà tận dụng diện tích ao hồ cạnh nhà để chăn nuôi vịt đẻ trứng, vịt thương phẩm. Thấy hiệu quả kinh tế của mô hình chăn nuôi này khá ổn định, năm 2014 ông mạnh dạn vay 120 triệu đồng mở rộng quy mô chăn nuôi vịt, xây dựng thêm lò ấp trứng vịt lộn. Lúc đầu, ông Hà chỉ nuôi dưới 1.000 con vịt nhưng có thời điểm đàn vịt lên đến 10.000 con. Các sản phẩm từ chăn nuôi vịt của gia đình ông được thương lái tìm đến thu mua, số còn lại ông bán lẻ tại các chợ trên địa bàn. Ngoài nuôi vịt, ông Hà còn là chủ của 5 ha lúa, 2 ha vườn đồi trồng cà phê, hồ tiêu, cây lấy gỗ…; trung bình mỗi năm, mô hình kinh tế này đem lại nguồn thu nhập cho gia đình hơn 900 triệu đồng.
Lò ấp trứng vịt lộn của gia đình ông Hán Vinh Hà. |
Không chỉ giỏi làm kinh tế giỏi, ông Hà còn là Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn Sơn Trà. Ông đã vận động hội viên đóng quỹ từ 1 - 2 triệu đồng/người để giúp hội viên khó khăn có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế. Hiện nay, số quỹ của Chi hội Cựu chiến binh thôn Sơn Trà lên đến 33 triệu đồng đang cho 2 hội viên vay. Không những vậy, 100% hội viên trong Chi hội đều được ông Hà hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế. Nhờ đó, Chi hội Cựu chiến binh thôn Sơn Trà không có hội viên nghèo.
Trước đây, đường sá vào khu vực gia đình ông Hà ở đi lại rất khó khăn. Năm 2010, ông đầu tư hơn 100 triệu đồng đổ đá cấp phối gần 1 km đường để gia đình mình và người dân đi lại đỡ vất vả. Năm 2017, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Hà tự nguyện hiến 400 m2 đất ở và cây trồng trên đất để mở rộng đường giao thông nông thôn. Ông Hà trò chuyện: “Trung bình mỗi năm, gia đình tôi trích từ 5 - 7% thu nhập để hỗ trợ các phong trào của tập thể như: Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, khuyến học… góp phần giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình”.
Làm ra tiền... nhờ lắp điện mặt trời
Vợ bị bệnh tim, lại mắc bệnh ung thư; ba con đang độ tuổi ăn học, gia đình vỏn vẹn chỉ có 3 sào đất cà phê - tình cảnh ngặt nghèo của gia đình từng khiến ông Trần Quang Vinh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn 2 (thị trấn Buôn Trấp) trăn trở.
Năm 2015, ông Vinh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng. Ông quyết định thuê 1 ha đất rẫy trồng cà phê xen hồ tiêu để làm ăn. Qua nhiều năm cần cù lao động, ông Vinh đã trả hết nợ ngân hàng, mua thêm được 1,5 ha đất trồng cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng…, từ đó kinh tế gia đình dần ổn định.
Gia đình ông Trần Quang Vinh tận dụng mái nhà để lắp pin năng lượng mặt trời. |
Năm 2019, ông Vinh quyết định chuyển hướng phát triển kinh tế gia đình theo hướng mới. Ông trò chuyện: “Con trai tôi học ngành kỹ sư điện đã tham vấn cho bố mẹ lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời vừa để sử dụng, vừa bán cho ngành Điện. Thấy điều con trai nói có cơ sở, cuối năm 2019 tôi tận dụng mái nhà ở, nhà kho… của gia đình làm 100 m2 giàn pin năng lượng mặt trời công suất 10 KW/giờ. Từ giàn pin này, mỗi tháng gia đình tôi thu về gần 3 triệu đồng". T
hấy hệ thống điện năng lượng mặt trời bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, ông Vinh vay 1,2 tỷ đồng từ ngân hàng lắp đặt thêm 500 m2 giàn pin năng lượng mặt trời với công suất phát 100 KW/giờ. Sản lượng điện thu được trong ngày bình quân 450 KW/giờ, đem về gần 900.000 đồng/ngày. Phần dưới giàn pin ông Vinh tận dụng phát triển chăn nuôi gà, trồng nấm bào ngư, hoa lan… để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Tại huyện Krông Ana đã có 7 hộ tìm đến gia đình ông Vinh tham quan, học hỏi kinh nghiệm đầu tư điện mặt trời trên mái nhà và đã được ông tư vấn, tiến hành lắp pin năng lượng mặt trời với công suất từ 30 - 100 KW đang cho thu nhập ổn định.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc