Siết chặt quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới
Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) mặc dù đã có những chuyển biến rõ rệt, tích cực trên các lĩnh vực, nhưng vẫn còn đó những khó khăn, thách thức buộc phải tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về vấn đề này.
Còn nhiều khó khăn
Theo Bộ NN-PTNT, tính đến tháng 6-2020, cả nước đã có 170.000 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP, với hơn 4.800 doanh nghiệp được chứng nhận; hơn 600 cơ sở nuôi thủy sản, với diện tích nuôi trồng gần 6.400 ha được cấp chứng nhận VietGAP; 792 trang trại và 2.500 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAP, với sản lượng gần 600.000 tấn thịt; 58,2% xã đạt chuẩn nông thôn mới đều đạt tiêu chí bảo đảm ATTP; đã có 1.711 sản phẩm đạt chuẩn theo bộ tiêu chí sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Về nhân rộng, mở rộng các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai xây dựng và phát triển được 1.612 chuỗi; 2.346 sản phẩm và 2.989 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thăm mô hình rau hữu cơ của Công ty TNHH Ban Mê Green Farm (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Khả Lê |
Tại Đắk Lắk, công tác quản lý chất lượng và vệ sinh ATTP được quan tâm thực hiện. Cụ thể, ngành Nông nghiệp đã triển khai hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình VietGAP và nhiều dự án sản xuất liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra 110 cơ sở, có 29 cơ sở vi phạm; lấy mẫu giám sát 36 mẫu (đang chờ kết quả phân tích).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý chất lượng và ATTP hiện gặp không ít khó khăn khi mà việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở nhiều địa phương còn chậm. Điều này dẫn đến sản lượng, quy mô liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn còn hạn chế, ách tắc ở nhiều khâu. Mặt khác, nguồn nhân lực tại các địa phương chưa đáp ứng để triển khai đầy đủ những nhiệm vụ quản lý, thanh tra về ATTP theo phân công, phân cấp, đặc biệt là trong tổ chức ký cam kết tuân thủ quy định ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ.
Theo ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm, kiểm chứng và tư vấn chất lượng nông lâm thủy sản, hiện khó khăn nhất của các địa phương là hiểu biết về những kỹ thuật có thể ứng dụng, về cơ sở pháp lý cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn hạn chế. Vì thực ra, cơ sở pháp lý về mặt bắt buộc là chưa có, mà chỉ có quy định bắt buộc là truy xuất dựa trên tài liệu hồ sơ. Do đó, lo ngại nhất trong tài liệu hồ sơ là có thể làm giả hoặc gian lận, gây ra khó khăn trong việc quản lý. Hiện tại nhà nước đã bắt đầu có sự quan tâm đầu tư cho phân tích xác định nguyên nhân của vấn đề này. Hy vọng thời gian tới, các địa phương sẽ có kênh thông tin, nơi hỗ trợ cho công tác quản lý chất lượng và ATTP.
Nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước về ATTP
Theo Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới (Chỉ thị 17), ngành Nông nghiệp sẽ tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật về phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm quy mô, chất lượng, an toàn; áp dụng công nghệ cao và các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, tổ chức sản xuất kinh doanh thực phẩm theo chuỗi gắn với hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm dựa trên phân tích nguy cơ đặc biệt từ sản xuất ban đầu đến công đoạn chế biến, tiêu thụ. Đặc biệt là kiểm soát sử dụng phụ gia, điều kiện vệ sinh, bảo đảm ATTP tại làng nghề thực phẩm, chợ thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn.
Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT sẽ cụ thể hóa phân công nhiệm vụ tới từng cơ quan, đơn vị trong ngành; lồng ghép triển khai trong Kế hoạch hành động bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp hằng năm để thực hiện tổng thể, hiệu quả hơn. |
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho biết, Cục yêu cầu các địa phương nói chung và Đắk Lắk nói riêng phải có kế hoạch cụ thể phù hợp với thực tế của từng địa phương để triển khai Chỉ thị 17. Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục đồng hành cùng địa phương trên các phương diện: chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra phát hiện chỗ nào chưa tốt để chấn chỉnh kịp thời; hỗ trợ nguồn nhân lực tổ chức các lớp đào tạo tập huấn. Đồng thời, có những chính sách đặc thù ở từng địa phương để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện Chỉ thị này.
Các đại biểu thăm gian hàng trưng bày sản phẩm cà phê hữu cơ của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) tại Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg. |
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nếu chúng ta không làm tốt công tác ATTP thì nguy cơ giảm giá trị xuất khẩu, hàng hóa nông sản sẽ khó lưu thông sang các thị trường nước ngoài là rất cao. Do đó, trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý, xây dựng môi trường pháp lý đầy đủ, thông suốt và tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông về các chính sách, văn bản, hướng dẫn về quản lý ATTP; có chế tài và chủ động xử lý nghiêm những doanh nghiệp, cơ sở vi phạm ATTP…
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc