Multimedia Đọc Báo in

Chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ

10:42, 05/08/2020
Những năm qua, huyện Ea Kar luôn chú trọng phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của huyện.
 
Theo báo cáo của UBND huyện, cơ cấu kinh tế của huyện Ea Kar tiếp tục tăng dần tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ. Năm 2020, ngành thương mại, dịch vụ chiếm hơn 21,3% trong cơ cấu kinh tế của huyện (đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra); tốc độ tăng trưởng bình quân 13,1%/năm (đạt 100%); tổng giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ hơn 8.960 tỷ đồng (đạt 107,3%). Các lĩnh vực có giá trị gia tăng lớn trong ngành tiếp tục phát triển mạnh như tài chính ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính, viễn thông, vận tải, kinh doanh bất động sản...
 
Cụ thể, toàn huyện hiện có 13 tổ chức tín dụng (tăng 5 tổ chức so với năm 2015), các tổ chức tín dụng đang tập trung thực hiện mục tiêu huy động vốn năm 2020 đạt 2.315 tỷ đồng (tăng 2,5% so với cuối năm 2019 và tăng 13,2% so với cuối năm 2015); tổng dư nợ cho vay đạt 6.989 tỷ đồng (tăng 12% so với cuối năm 2019 và tăng 45% so với năm 2015).
 
Dịch vụ giao thông vận tải phát triển mạnh với 11 tuyến vận tải hành khách cố định trong và ngoài tỉnh; 1.110 phương tiện vận tải hàng hóa; 540 phương tiện vận chuyển hành khách; các hãng xe taxi được đầu tư và khai thác có hiệu quả, đưa doanh thu dịch vụ vận tải năm 2020 ước đạt trên 285 tỷ đồng (tăng gấp 1,9 lần so với năm 2015).
 
Dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet tiếp tục tăng trưởng với 10 điểm bưu điện văn hóa xã đang hoạt động; hai bưu cục tại thị trấn Ea Kar và Ea Knốp; hai doanh nghiệp bưu chính viễn thông, phục vụ tốt nhu cầu chuyển phát thư tín, hàng hóa cho người dân. Toàn huyện có 46 điểm kinh doanh dịch vụ Internet; 160.600 thuê bao điện thoại, với mật độ 110 máy/100 dân...
 
Cửa hàng  kinh doanh  nông sản  của các  hợp tác xã  huyện Ea Kar.
Cửa hàng kinh doanh nông sản của các hợp tác xã huyện Ea Kar.
Hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu phát triển đã thúc đẩy hàng hóa lưu thông xuyên suốt, cung cầu được cân đối nên 9 chợ truyền thống trên địa bàn được duy trì hiệu quả. Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi của các doanh nghiệp tư nhân được xây dựng trên địa bàn đã và đang hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
 
Bà Phạm Thị Thừa, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Long Phát - Siêu thị V.mart cho hay, hoạt động thương mại hàng hóa của đơn vị triển khai từ năm 2013 đến nay. Song hành với việc xây dựng lượng khách hàng thân thiết qua chương trình tích điểm là các chương trình bán hàng bình ổn giá. Ngoài ra, đơn vị còn bán mặt hàng gạo 721 và trà thảo mộc Xuân Sang do người dân huyện Ea Kar sản xuất, bước đầu tạo được sự kết nối giữa người sản xuất và người kinh doanh trên địa bàn.
 
Tương tự, Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Lâm Tiến (HTX) luôn gắn việc sản xuất, kinh doanh với lợi thế, thế mạnh của địa phương. Ông Nguyễn Ngọc Thuận, Giám đốc HTX cho hay, bình quân mỗi năm HTX thu mua khoảng 500 tấn trái cây cho người dân trên địa bàn. Sau khi chế biến, đơn vị trực tiếp kết nối với người tiêu dùng thông qua nhiều kênh phân phối khác nhau từ các cửa hàng, siêu thị đến thương mại trên website của HTX, mạng xã hội Facebook, Zalo…
 
Kiên định mục tiêu tăng trưởng ngành thương mại, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế giai đoạn 2020 - 2025, ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea Kar nhấn mạnh: Hệ thống thương mại trên địa bàn huyện đang là đầu mối cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người dân trên địa bàn và các địa phương lân cận. Theo quy hoạch, khi tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang hoàn thành thì Ea Kar sẽ có điểm đấu nối tại xã Cư Elang.
 
Đây là cơ hội để huyện phát triển dịch vụ logistic. Do đó, song hành với việc duy trì và phát triển hệ thống các ngành nghề thương mại, dịch vụ hiện tại thì huyện tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư đến Cụm công nghiệp Ea Đar để xây dựng hệ thống kho bãi, đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp và người dân trong khu vực. Giai đoạn 2020 - 2025, huyện Ea Kar phấn đấu đưa tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ lên hơn 30,1% với tổng giá trị sản xuất thương mại – dịch vụ đạt 17.400 tỷ đồng.
 
Thanh Hường
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.