Multimedia Đọc Báo in

Không thể chủ quan

09:09, 30/08/2020
Mặc dù dịch Covid-19 đang từng bước được khống chế, các biện pháp giãn cách xã hội đã được nhiều địa phương dỡ bỏ, nhưng cũng không thể chủ quan trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh này.

Cách đây hơn ba tháng, khi dịch bệnh Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, bằng những nỗ lực tuyệt vời và cách làm quyết liệt, sáng tạo, chúng ta đã khống chế được dịch bệnh. Trong khi nhiều nước trên thế giới đang chật vật chống chọi với dịch bệnh thì ở Việt Nam, các quy định giãn cách xã hội được gỡ bỏ, mọi hoạt động xã hội gần như trở lại bình thường.

Suốt một thời gian hơn ba tháng không có ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng, có lúc dường như người ta “quên mất” là Covid-19 đang tồn tại. Đến đầu tháng 8 vừa qua, dịch bệnh quay trở lại. Lần này tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, mức độ nghiêm trọng hơn, nhưng chúng ta cũng đã sớm khống chế được dịch bệnh. 

Lực lượng chức năng thành phố Buôn Ma Thuột kiểm tra việc chấp hành lệnh giãn cách xã hội. Ảnh:C.Xin
Lực lượng chức năng thành phố Buôn Ma Thuột kiểm tra việc chấp hành lệnh giãn cách xã hội. Ảnh: C.Xin

Việc kiểm soát tốt dịch bệnh ở trong nước là điều đáng mừng, nhưng cũng có thể vì thế mà nảy sinh tâm lý chủ quan ở một bộ phận không nhỏ người dân. Điều dễ nhận thấy sau mỗi lần dỡ bỏ “lệnh” giãn cách xã hội là tình trạng nhiều người lập tức có tâm lý “xả hơi”.

Các quán cà phê, nhà hàng, địa điểm công cộng… lại xuất hiện tình trạng tập trung đông người. Dù có khác với đợt bùng phát dịch bệnh lần trước, lần này nhiều người đã tỏ ra cảnh giác hơn, nhưng cũng có không ít người chủ quan, không thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của cơ quan chức năng về các biện pháp bảo vệ bản thân và cộng đồng. Đâu đó nhiều nơi vẫn còn tình trạng tụ tập đông người mà không bảo đảm khoảng cách an toàn, xem nhẹ việc rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, nhiều người dân khi ra đường vẫn “quên” đeo khẩu trang…

 
Mặc dù chính quyền các cấp, các ngành đang tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, nhưng chắc chắn không thể bảo đảm kiểm soát tuyệt đối, nhất là việc kiểm soát nguồn lây. Trong khi đó, theo thống kê của ngành Y tế, tỷ lệ người mắc Covid-19 không có triệu chứng chiếm khá cao. Do đó, nguy cơ dịch Covid-19 tái bùng phát là vẫn hiển hiện. 
 
Còn nhớ sau đợt bùng phát dịch bệnh lần đầu, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo ở mức độ cao trong cộng đồng, nhưng người dân thực hiện chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng chủ quan và hậu quả là đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai đã xảy ra nghiêm trọng hơn. Điều đó chứng tỏ, những dữ liệu về mức độ giảm số ca nhiễm mới, số ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng… không có ý nghĩa lắm khi dịch bệnh đã quay trở lại.  
 
Trong bối cảnh chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng bệnh Covid-19, việc "sống chung" với dịch bệnh là điều khó tránh khỏi. Trong cuộc họp mới đây của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, để chung sống an toàn với dịch bệnh, người dân cần tuân thủ các quy định bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh cơ bản như: Hạn chế đi ra ngoài; thường xuyên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc trên các phương tiện công cộng, nơi đông người; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn; không lơ là, chủ quan trước diễn biến của tình hình dịch bệnh...
 
Rõ ràng, “cuộc chiến” với dịch Covid-19 sẽ còn cam go và kéo dài. Dù tin tưởng rằng, với kinh nghiệm, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh sẽ bị khống chế. Thế nhưng để hạn chế những rủi ro, đi đến thắng lợi trọn vẹn, mỗi người cần tránh tâm lý chủ quan, lơ là và kiên nhẫn thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của cơ quan chức năng. Bài học giữa hai đợt bùng phát dịch bệnh vẫn còn đó…
 
Giang Nam
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.