Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng cây chôm chôm Thái trên vùng đất cằn

08:28, 09/08/2020
Về thôn 8, xã Cư Mốt (huyện Ea H’leo), nhiều người bất ngờ với những vườn chôm chôm trĩu quả, chín mọng trên cành. Vùng đất này vốn khá cằn cỗi, rất kén cây trồng, thế nhưng người dân đã táo bạo đưa giống chôm chôm Thái về trồng để hôm nay có loại cây đặc sản cho địa phương.
 
Thôn 8, xã Cư Mốt có 64 hộ dân đều là người dân tộc Nùng, di cư từ tỉnh Cao Bằng vào lập nghiệp từ khoảng năm 1993. Những năm trước, người dân nơi đây chủ yếu chỉ canh tác các loại cây như điều, tiêu và cà phê. Tuy nhiên, do đất đai cằn cỗi nên hầu hết các loại cây trồng phát triển kém, năng suất đạt thấp.
 
Khoảng năm 2005, một số hộ dân trong thôn đã tìm về các tỉnh miền Tây Nam bộ mua giống chôm chôm Thái đem về trồng thử nghiệm xen trong vườn cà phê, mục đích ban đầu là làm cây che bóng. Nhận thấy chôm chôm trên đất Cư Mốt khá phù hợp, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, cây ít bị sâu bệnh, chỉ khoảng 4 năm sau khi trồng là cây bắt đầu cho thu hoạch, quả sai, cơm dày và ngọt… nên người dân trong thôn đã chiết cành trồng xen canh số lượng nhiều trong vườn.
 
Gia đình ông Lương Văn Ích là một trong những hộ đầu tiên đưa giống chôm chôm Thái về trồng. Hiện ông có hơn 100 cây chôm chôm 15 năm tuổi, trung bình mỗi năm cho thu hoạch từ 12 - 13 tấn quả, sau khi trừ chi phí, gia đình ông có thu nhập 130 triệu đồng/năm. 
 
Ông Lương Văn Ích ở thôn 8, xã Cư Mốt giới thiệu về mô hình trồng chôm chôm Thái thu lợi nhuận cao.
Ông Lương Văn Ích ở thôn 8, xã Cư Mốt giới thiệu về mô hình trồng chôm chôm Thái thu lợi nhuận cao.
Ông Ích cho biết, khi mới xuống giống, cây chôm chôm phát triển chậm do khí hậu nắng nóng khắc nghiệt, tầng đất bề mặt toàn sỏi đá khó tích nước. Tuy nhiên, sang năm thứ 3 về sau, rễ cây đâm sâu, cây chôm chôm chuyển qua giai đoạn thích nghi và phát triển tốt. 
 
Để bảo đảm có đầu ra ổn định cũng như dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường, đầu năm 2019, các hộ trồng chôm chôm ở thôn 8 đã được cấp phép thành lập Hợp tác xã trái cây Cư Mốt (gọi tắt là HTX) do ông Lương Văn Ích làm Giám đốc. Hiện HTX có 11 hộ thành viên trồng hơn 12 ha chôm chôm, trong đó có 5 hộ chuyên canh, còn lại trồng xen canh tại các vườn cà phê, tiêu, sầu riêng. Trong mùa vụ năm 2019, HTX đã xuất bán hơn 200 tấn quả.
 
Gia đình ông Lương Văn Thắng ở thôn 8 có 1 ha chôm chôm xen canh tiêu và cà phê. Theo ông Thắng, khi tham gia HTX thì các hộ trồng chôm chôm đã bắt đầu đi vào sản xuất tập trung, thường xuyên được ngành chức năng huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách chăm sóc vườn cây, bón phân, tưới nước, tỉa cành hợp lý.
 
Người dân không còn làm theo kinh nghiệm truyền thống mỗi nhà một kiểu như trước nên cây chôm chôm cho năng suất cao, trái đẹp, quả đều, không làm ảnh hưởng đến năng suất của các cây trồng xen. Bên cạnh đó, HTX còn ký hợp đồng liên kết với các đầu mối thu mua nên đầu ra chôm chôm khá ổn định, không bị ép giá. 
 
Lê Thành
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.