Multimedia Đọc Báo in

Công trình đường Đông - Tây chậm tiến độ: Sớm "gỡ vướng" công tác giải phóng mặt bằng

10:24, 07/08/2020
Sau gần 5 năm khởi công xây dựng, công trình đường Đông - Tây TP. Buôn Ma Thuột vẫn ngổn ngang các hạng mục, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dang dở.
 
Công trình đường Đông - Tây có điểm đầu tuyến bắt đầu từ vòng xoay Lê Duẩn - Đinh Tiên Hoàng, điểm cuối tại nút giao giữa Quốc lộ 27 với đường Đam San vào Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột. Tổng mức đầu tư ban đầu là 998 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn từ Trung ương 90% và 10% từ ngân sách địa phương. Công trình do UBND TP. Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 515 (TP. Hồ Chí Minh) thi công, đi qua các phường Tự An, Tân Thành, Tân Lập và xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột).
 
Dự án được ký hợp đồng với chủ đầu tư ngày 14-9-2015, khởi công xây dựng vào ngày 23-9-2015, thời gian hoàn thành hợp đồng ngày 5-8-2018. Tuy nhiên, do vướng công tác GPMB, cùng với việc giãn tiến độ từ năm 2017 đến đầu năm 2020 nên dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Một số khu vực được giao mặt bằng, nhà thầu đang triển khai các hạng mục như: đúc dầm SuperT, thi công mố, trụ cầu cạn, các hạng mục lắp đặt cấu kiện, thi công móng mặt đường hoàn thiện để chuẩn bị thảm lớp mặt bê tông nhựa chặt. Nhà thầu đã tổ chức huy động nhân lực ở các mũi, tập kết xe máy, thiết bị và vật tư, vật liệu, sẵn sàng đẩy nhanh tốc độ thi công trong phạm vi đã được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng.
 
Tuy nhiên, theo thống kê, hiện toàn tuyến chưa bàn giao GPMB gồm: từ Km0+00-Km0+900 đoạn ngã ba Lê Duẩn – Đinh Tiên Hoàng đến đường Nguyễn Du thuộc phường Tân Thành, Tự An. Đây là vị trí có cầu cạn, để chủ động cho việc thi công, nhà thầu đã và đang tiến hành đúc dầm, thi công mố, trụ nhưng hiện mặt bằng vẫn chưa được bàn giao. Bên cạnh đó, đoạn cuối tuyến từ vị trí giáp phường Tân Lập đến ngã ba đường Nguyễn Lương Bằng với đường Đam Sam vào Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột vẫn đang vướng mặt bằng. 
 
Công trình đường Đông - Tây đoạn qua phường Tự An.
Công trình đường Đông - Tây đoạn qua phường Tự An.
Ông Phạm Quốc Dũng, chỉ huy công trình đường Đông - Tây cho biết, tính đến đầu tháng 7-2020, chủ đầu tư mới bàn giao cho nhà thầu khoảng hơn 4 km/6,9 km. Khối lượng mặt bằng còn rất lớn, đặc biệt vị trí đầu và cuối tuyến việc đền bù, hỗ trợ sẽ rất khó bởi số lượng các công trình kiên cố nhiều, đất nằm ở khu vực trung tâm nên giá cao. Một số khu vực như khu nghĩa trang xã Hòa Thắng, các công trình cột điện qua vùng dự án... cũng khó thực hiện việc di dời. Chưa kể đến biến động đơn giá thay đổi hằng năm, các phương án GPMB chưa được giải quyết triệt để qua từng thời kỳ và nguồn vốn Trung ương bố trí về cho dự án chưa đủ theo tổng mức được phê duyệt… là những nguyên nhân chính dẫn đến công trình kéo dài nhiều năm. Hiện nay, đơn vị luôn sẵn sàng nhân công, thiết bị và các điều kiện cần thiết để thi công, đẩy nhanh tiến độ công trình khi có mặt bằng sạch.
 
Ông Trương Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Nếu vận dụng đền bù, hỗ trợ cho dân vùng dự án theo giá thị trường hiện nay thì kinh phí thực hiện công tác GPMB công trình này tăng thêm hơn 344 tỷ đồng. Việc bố trí nguồn vốn càng chậm thì càng ảnh hưởng lớn đến công tác chi trả, dẫn tới tiến độ công trình chậm trễ, kéo dài.

Liên quan đến vấn đề này, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Buôn Ma Thuột cho biết, tổng kinh phí phê duyệt cho công tác GPMB dự án này là 220 tỷ đồng, đến đầu tháng 7-2020 đã giải ngân được gần 200 tỷ đồng. Trong thời gian giãn tiến độ dự án, tại một số khu vực như đoạn qua phường Tân Thành (32 hộ), phường Tự An (45 thửa), xã Hòa Thắng (147 hộ và 6 tổ chức), đơn vị đã thực hiện đo đạc, kiểm kê, xác minh nguồn gốc đất, song chưa có kinh phí nên chưa lập phương án bồi thường cho người dân.

Bên cạnh đó, một số hộ đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ nhưng không chịu nhận tiền do không đồng tình về mức giá. Mới đây, Trung tâm đã có buổi làm việc với cơ quan chuyên môn của UBND TP. Buôn Ma Thuột để từng bước tháo gỡ vướng mắc cho công tác GPMB. Qua đó, đối với những hộ đã được phê duyệt phương án nhưng cơ quan Nhà nước không có kinh phí để trả thì lập phương án bổ sung khoản tiền chậm thanh toán bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế. Đối với các hộ đã thông báo đủ 3 lần lên nhận tiền nhưng không đồng ý và không chịu bàn giao mặt bằng thì đơn vị sẽ có công văn đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND thành phố cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.
 
Thời gian còn lại để triển khai dự án không còn nhiều, trong khi hiện nay công tác GPMB của công trình, nhất là đoạn đầu và cuối tuyến đều đang bị “vướng”. Nếu không kịp thời tháo gỡ thì dự án tiếp tục chậm tiến độ, kéo theo tổng mức đầu tư sẽ tăng cao, tốn kém nguồn ngân sách, mục tiêu hoàn thiện hệ thống mạng lưới giao thông đô thị, hình thành khu đô thị mới phía Đông - Nam thành phố phải kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.
 
Xuân Trường
 
 

Ý kiến bạn đọc