Giải phóng mặt bằng trong triển khai các dự án: Những "nút thắt" cần tháo gỡ (Kỳ 2)
Kỳ 2: Nhiều bất cập, khó khăn trong giải phóng mặt bằng
Do chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) có nhiều thay đổi, chưa bố trí được đất tái định cư, một số hộ dân không đồng tình với đơn giá bồi thường của Nhà nước… dẫn đến công tác bồi thường, GPMB trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn.
Từ bất cập về cơ chế, chính sách
Ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh cho biết, các thủ tục thực hiện công tác GPMB rất phức tạp, nhiều bước phải thực hiện theo trình tự như: thiết kế kỹ thuật đo đạc, đo đạc trích lục bản đồ địa chính, lập phương án thu hồi đất, xác nhận nguồn gốc đất, thẩm định phê duyệt phương án, công khai phương án… luôn gặp vướng mắc, thời gian thực hiện kéo dài.
Bên cạnh đó, theo quy định của Nhà nước, khi dự án (DA) được phê duyệt, chủ đầu tư mới triển khai công tác GPMB, trong khi công tác này cần thời gian nhất định để thực hiện nên khó đảm bảo giao mặt bằng sớm cho các nhà thầu. Điển hình nhất có thể đề cập đến là hợp phần bồi thường, GPMB và tái định cư thuộc Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng. Tháng 7-2019, UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư, phối hợp với UBND huyện Ea Kar và các đơn vị liên quan thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án này.
Đến nay Ban mới thực hiện GPMB trên diện tích 378/2.337 ha, với kinh phí bồi thường, hỗ trợ hơn 293 tỷ đồng. Việc thực hiện hợp phần này gặp nhiều khó khăn do Ban chưa ký được hợp đồng đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính khu vực lòng hồ; việc xây dựng thẩm định, phê duyệt giá đất đối với hạng mục Tuyến kênh Bắc của DA do huyện Ea Kar triển khai chậm trễ khiến công tác GPMB của hạng mục này chậm tiến độ 5 tháng so với kế hoạch. Cùng với đó, thông báo thu hồi đất chưa được ban hành do đơn vị tư vấn trong quá trình lập hồ sơ địa chính không tuân thủ quy định và hồ sơ đo đạc có biến động nhiều do DA kéo dài…
Dự án Khu đô thị Đông Bắc thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) gặp không ít vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. |
Ở hầu hết các địa phương, khi được hỏi về khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB, những người làm công tác này đều “lắc đầu ngao ngán” về quá trình triển khai. Ông Trương Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, công tác GPMB trên địa bàn thành phố thực hiện còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra bởi nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do chính sách bồi thường, GPMB có nhiều thay đổi, các văn bản hướng dẫn ban hành chậm, một số nội dung chưa rõ ràng, chưa mang tính đồng bộ, khó thực hiện. Chẳng hạn như Dự án đường Y Ngông nối dài (từ đường Mai Xuân Thưởng đến Tỉnh lộ 1) được phê duyệt trước khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực. Do chính sách bồi thường tại thời điểm được phê duyệt khác với quy định trong Luật Đất đai 2013 nên đến nay công tác đền bù GPMB của DA này vẫn chưa thể hoàn thành.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Văn Sỹ
|
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Văn Sỹ, văn bản pháp luật hiện hành còn một số quy định chưa điều chỉnh hết những vấn đề phát sinh thực tế như việc áp dụng bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp theo Khoản 2, Điều 77 và trường hợp không bồi thường về đất được Nhà nước giao để quản lý theo Khoản 2, Điều 82, Luật Đất đai 2013. Các dự án thủy lợi lớn như Hồ chứa nước Krông Pách Thượng, Hồ chứa nước Ea H'leo 1 đều gặp vướng mắc khi áp dụng các quy định này vào thu hồi đất.
Đến "rào cản" về giá
Trong khi đó, giá bồi thường, hỗ trợ luôn là vấn đề vướng mắc và nảy sinh nhiều khiếu kiện nhất trong công tác GPMB thời gian qua. Sự chênh lệch quá lớn giữa giá được bồi thường với giá trị thực trên thị trường khiến GPMB trở thành rào cản “ngáng đường” hàng loạt DA. Đơn cử như trường hợp của gia đình ông Hà Văn Hợp (số 20 đường Nguyễn Chí Thanh, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) có một phần diện tích đất thuộc Dự án mở rộng bùng binh Km 3. Do không đồng tình với giá đền bù vì cho rằng quá thấp so với giá thị trường và công tác đo đạc cũng chưa hiển thị đúng và đủ diện tích đất của gia đình nên ông không đồng thuận việc bàn giao mặt bằng. Tương tự, gia đình ông Phạm Văn Hùng (tổ dân phố 9, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) cũng đã nhiều năm gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng do phần đất của nhà ông thuộc Dự án Khu đô thị Đông Bắc Phước An nhưng ông không được đền bù mà chỉ được hỗ trợ. Không đồng ý với giá hỗ trợ này vì cho là quá thấp nên đến nay gia đình ông vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng cho DA.
Dự án mở rộng bùng binh Km3 đang tiến hành giải phóng mặt bằng để thi công xây dựng. |
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Krông Pắc Nguyễn Văn Thịnh, công tác GPMB diễn ra chậm trễ ngoài lý do chậm thực hiện các thủ tục đo đạc, thẩm định thì nguyên nhân đơn giá bồi thường chưa bắt kịp với tình hình thực tế, sự chênh lệch về giá bồi thường, hỗ trợ hay thời gian công khai giá bồi thường dài… cũng khiến công tác này gặp khó khăn. Đơn cử như giá bồi thường về cây trồng, theo quy định mới đây nhất thì giá một cây sầu riêng người dân được bồi thường cao nhất chỉ hơn 7 triệu đồng, nhưng giá trị thực tế một cây sầu riêng có thể thu được trên 20 triệu đồng. Hơn nữa, quy định về giá cây trồng còn thiếu rất nhiều so với thực tế khiến việc áp giá gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trong quy định của Luật Đất đai có hai cơ chế chuyển mục đích sử dụng. Một là, cơ chế đối với DA Nhà nước có quyết định thu hồi đất. Thứ hai là cơ chế thỏa thuận đối với DA của doanh nghiệp. Hiện nay, hai cơ chế này có sự bất cập, người dân thỏa thuận bao giờ cũng đòi hỏi giá cao, trong khi Nhà nước thu hồi thì theo giá đã quy định.
Thực tế tại các đơn vị, địa phương làm công tác GPMB đều cho thấy, tâm lý của người bị thu hồi đất cho rằng giá đất bồi thường thấp trong khi thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai cao nên luôn muốn nhận được số tiền bồi thường, hỗ trợ cao hơn số tiền theo phương án được phê duyệt, dẫn đến phát sinh khiếu nại, làm ảnh hưởng tiến độ GPMB các DA.
(Còn nữa)
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc