Multimedia Đọc Báo in

Nông dân huyện M'Drắk thận trọng trong tái đàn heo

08:13, 08/09/2020

Ngay sau khi bệnh dịch tả heo châu Phi được khống chế trên địa bàn, huyện M’Drắk đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân chủ động tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi; đồng thời hướng dẫn người dân từng bước tái đàn heo.

Năm 2019, huyện M’Drắk có 37 ổ dịch tả heo châu Phi, xảy ra tại 22 thôn, 2 buôn thuộc 4 xã (Krông Jing, Cư San, Cư Króa, Cư M'ta) và thị trấn M’Drắk làm chết 163 con heo với tổng trọng lượng tiêu hủy 8.086 kg. Trong 8 tháng năm 2020, tình hình dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện M’Drắk cơ bản được khống chế, toàn huyện chỉ ghi nhận 4 ổ dịch trong 3 tháng đầu năm. Tuy nhiên, đến nay nhiều hộ chăn nuôi vẫn còn e dè, chưa mạnh dạn đầu tư tái đàn; việc tái đàn heo trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn. 

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện M’Drắk cho biết, đến thời điểm này tổng đàn heo trên địa bàn huyện là hơn 29.000 con, giảm khoảng 24.000 con so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng năm 2020 trên địa bàn huyện mới chỉ tái đàn được khoảng 1.200 con heo. Người chăn nuôi vẫn chưa mạnh dạn tái đàn vì vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó chủ yếu là khó khăn về nguồn vốn đầu tư khi giá heo giống quá cao và khan hiếm; bên cạnh đó, nhiều hộ chăn nuôi chưa đáp ứng một số quy định mới về yêu cầu đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường…

án bộ thú y  xã Ea Pil  kiểm tra  tình hình  phát triển  đàn heo  của một hộ  gia đình.
Cán bộ thú y xã Ea Pil kiểm tra tình hình phát triển đàn heo của một hộ gia đình.

Đơn cử như trường hợp gia đình chị Bùi Thị Hương ở thôn 1, xã Krông Á.  Trước đây, gia đình chị đầu tư trên 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi heo; đến giữa năm 2019, khi dịch tả heo châu Phi bùng phát trên địa bàn, gia đình chị đành phải rã đàn heo vì lo ngại ảnh hưởng của dịch. Đến nay, tình hình dịch bệnh đã ổn định song gia đình chị Hương vẫn chưa thể tái đàn vì giá heo giống quá cao, ở mức 3,5 – 3,9 triệu đồng/con (trọng lượng 8 - 10kg). Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện chưa có cơ sở sản xuất heo giống nên khó chủ động được nguồn cung mà phải nhập heo giống từ các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương. Không chỉ chăn nuôi gặp khó khăn mà hiện nay việc kinh doanh thức ăn gia súc của gia đình chị cũng rất chậm vì người dân trên địa bàn cũng đang cân nhắc chưa tái đàn.

Hay như gia đình ông Nguyễn Văn Linh ở thôn 2, xã Ea H’mlay cũng là một trong những hộ chăn nuôi heo lâu năm với diện tích chuồng trên 300 m2. Ông Linh cho biết những năm trước tổng đàn heo của gia đình luôn ở mức trên 1.000 con, nhưng hiện tại gia đình ông mới chỉ tái đàn 200 con, đợi tình hình dịch bệnh ổn định và giá heo giống xuống thấp thì mới quyết định đầu tư thêm.

Để đảm bảo tái đàn heo hiệu quả và giảm nguy cơ tái phát dịch bệnh, UBND huyện M’Drắk đã yêu cầu các cơ quan liên quan, các xã, thị trấn cần khuyến cáo người dân thận trọng, không nên ồ ạt, nếu muốn tái đàn phải đáp ứng đủ các yêu cầu về chăn nuôi an toàn sinh học, đồng thời thực hiện kiểm soát sát sao việc tái đàn tại địa phương. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm vắc xin định kỳ cho gia súc, đồng thời trực tiếp đến kiểm tra khi có hộ chăn nuôi tái đàn…

Thúy Diệp


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.