Multimedia Đọc Báo in

Giải phóng mặt bằng trong triển khai các dự án: Những "nút thắt" cần tháo gỡ (Kỳ cuối)

09:30, 10/09/2020

Kỳ cuối: Gỡ “nút thắt” trong công tác giải phóng mặt bằng

Thời gian qua, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo quỹ đất "sạch" để đầu tư các dự án (DA) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Nhiều chính sách nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong GPMB được quan tâm, triển khai thực hiện.

Nhiều nỗ lực trong công tác  giải phóng mặt bằng

Hiện nay, trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đều thành lập trung tâm phát triển quỹ đất nhằm thực hiện nhiệm vụ bồi thường, GPMB, đồng thời tăng cường thêm lực lượng cán bộ chuyên trách phục vụ công tác GPMB tại các ban quản lý dự án. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Phan Xuân Bách cho biết, năm 2018 UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho Ban thành lập Phòng Đền bù GPMB, nhờ đó công tác GPMB được Ban thực hiện trực tiếp và chủ động hơn trong việc nắm bắt tiến độ.

 Thi công  xây dựng  Dự án đường Trần Quý Cáp (phường  Ea Tam,  TP. Buôn Ma Thuột).
Thi công xây dựng Dự án đường Trần Quý Cáp (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột).

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Văn Sỹ chia sẻ, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân ổn định chỗ ở, ổn định đời sống sau khi Nhà nước thu hồi đất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA trên địa bàn tỉnh, thời gian qua Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định hỗ trợ về đất, cây trồng, nhà và công trình khác gắn liền với đất; ban hành quy định về giá cây trồng, giá nhà ở, vật kiến trúc theo hướng cụ thể, chi tiết, dễ áp dụng. Từ đó nâng mức hỗ trợ, người dân được hưởng lợi nhiều hơn và bước đầu tạo được sự đồng thuận với các chính sách về GPMB. Đặc biệt, một số DA có diện tích sử dụng đất lớn ảnh hưởng đến phạm vi từ thôn, xã trở lên, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ riêng. Chẳng hạn, các DA thủy lợi lớn như Hồ chứa nước Krông Pách thượng, Hồ chứa nước Ea H’leo 1 có phạm vi ảnh hưởng lớn, diện tích cần GPMB nhiều, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ khác cho những trường hợp không đủ điều kiện bồi thường về đất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện DA.

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ GPMB, tỉnh đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Riêng về đất đai, nhiều thủ tục được rút ngắn thời gian giải quyết: thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá từ 30 ngày xuống còn 25 ngày; thủ tục đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất từ 18 ngày xuống còn 14 ngày… Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thường xuyên tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các DA, trong đó có công tác GPMB để báo cáo UBND tỉnh tổ chức các cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ vào thứ năm hằng tuần.

Dự án khu đô thị Premia Eco City (tại Km7, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) đang được đầu tư xây dựng.
Dự án khu đô thị Premia Eco City (tại Km7, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) đang được đầu tư xây dựng.

Cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn

Tuy nhiên, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ GPMB thực hiện các DA, ông Trần Văn Sỹ cho rằng, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ như: quy định chặt chẽ hơn về thẩm quyền, mục đích thu hồi đất, có sự tham vấn ý kiến của cơ quan chức năng và người bị thu hồi. Tiếp đến, cần chuẩn bị tốt phương án đền bù, trên cơ sở tính toán đầy đủ lợi ích của Nhà nước, người bị thu hồi đất và người được hưởng lợi từ việc Nhà nước thu hồi đất. Những người bị di dời phải được tham vấn rõ ràng và được tham gia vào các chương trình lập kế hoạch và thực hiện DA; đảm bảo cho những người bị thu hồi đất có thể khôi phục lại hoặc cải thiện mức sống so với trước khi bị thu hồi đất. Bên cạnh đó, cần tăng cường tiếp xúc, tuyên truyền, vận động các hộ dân chấp hành những quy định, quyết định của UBND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ bồi thường, tái định cư. Đặc biệt, cần tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn và xử lý kịp thời hành vi lấn, chiếm đất và vi phạm pháp luật về đất đai để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định nguồn gốc đất, ranh giới đất và loại đất. Kiên quyết thực hiện cưỡng chế thu hồi đất để bàn giao mặt bằng đối với những trường hợp chống đối khi mọi chế độ bồi thường, hỗ trợ được bảo đảm thực hiện đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật.

 
“Sự chậm trễ trong chỉ đạo, thực hiện công tác GPMB là "điểm nghẽn" phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh, cần quyết liệt đưa những cán bộ làm công tác GPMB mà không đủ năng lực, trách nhiệm ra khỏi đội ngũ. Những đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ GPMB cũng kiên quyết giao cho đơn vị khác mới mong tiến độ thực hiện các dự án được đẩy nhanh”.
 
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị

Theo một số ngành chức năng và địa phương trên địa bàn, để tháo gỡ được đồng bộ vấn đề về đất đai và GPMB, thì tỉnh, Trung ương cần phải sửa đổi các quy định của pháp luật chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, thống nhất một hành lang pháp lý trong lĩnh vực này. Hơn nữa cần có những biện pháp quyết liệt hơn với tình trạng GPMB theo kiểu “da beo”, tức chỗ được thu hồi, chỗ còn vướng mắc. Hơn nữa, thường xuyên rà soát, thống kê số lượng, diện tích đã được bồi thường GPMB so với kế hoạch, giao chỉ tiêu, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị và phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho cấp huyện để GPMB. Nếu DA không hoàn thành đúng tiến độ theo kế hoạch, dây dưa kéo dài thì cần kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân đã được giao nhiệm vụ GPMB.

Có thể thấy, ngoài cơ chế, chính sách thì năng lực cán bộ làm công tác GPMB chưa tốt và thiếu sự đồng thuận của nhân dân là những nguyên nhân chính tạo ra "nút thắt" trong công tác GPMB. Vì vậy, để giải quyết những vấn đề trên, hơn thế nữa là tạo lòng tin của nhân dân trong việc thu hồi đất, bồi thường GPMB, thiết nghĩ các ngành chức năng cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách về bồi thường, GPMB, tái định cư; tập trung nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác GPMB. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các DA thực hiện không đúng mục đích được giao, DA chậm thực hiện sau khi đã thực hiện xong công tác bồi thường, GPMB.

Khả Lê

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.