Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Tạo thêm nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế (Kỳ 2)
Kỳ 2: Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Cùng với việc ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, đồng hành cùng DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh cải cách hành chính
Với mục tiêu đồng hành và hỗ trợ cho DN, đặc biệt là các DNNVV phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đề ra tại các nghị quyết, chỉ thị hằng năm về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, tỉnh đã xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, quan tâm đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi tối đa cho các DN, nhà đầu tư.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà (giữa) thăm gian trưng bày sản phẩm khởi nghiệp tại Chương trình Đồng hành cùng doanh nghiệp. |
Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Huỳnh Văn Tiến cho biết, hiện nay, nhiều TTHC liên quan đến DN đã được rút ngắn so với quy định, như: thời gian giải quyết 26 thủ tục đăng ký DN được rút ngắn từ 3 ngày làm việc xuống còn 1 ngày làm việc; thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá rút ngắn từ 30 ngày xuống còn 25 ngày; thủ tục đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất rút ngắn từ 18 ngày xuống còn 14 ngày; các thủ tục về cấp giấy phép xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công giảm từ 5 đến 10 ngày so với quy định; 13 thủ tục lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và lĩnh vực vận tải được rút ngắn từ 1 - 3 ngày làm việc...
Hằng năm, tỉnh đều tổ chức thu thập thông tin từ các DN, nhà đầu tư để đánh giá và xếp loại công tác cải cách TTHC của các sở, ban, ngành, góp phần bảo đảm tính minh bạch trong quan hệ giữa cơ quan nhà nước với DN, doanh nhân, ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực trong quan hệ giữa DN, doanh nhân với cán bộ công chức. Bên cạnh đó, công tác lập quy hoạch của tỉnh đã được cải thiện, các quy hoạch đã cập nhật, rà soát, bổ sung thêm nhiều thông tin đánh giá thực trạng theo hướng gắn với nhu cầu thị trường và đảm bảo quyền kinh doanh của DN.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà
|
Hoạt động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN tiếp tục được UBND tỉnh quan tâm và thực hiện bằng nhiều hình thức như: tổ chức Hội nghị đối thoại DN; Ngày thứ năm DN; Cà phê doanh nhân – DN; Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời... Một số đơn vị như Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… đã chủ động tổ chức Hội nghị đối thoại DN của ngành mình, giúp tháo gỡ phần lớn khó khăn, vướng mắc của các DN, nhà đầu tư.
Nhiều “kênh” hỗ trợ
Từ năm 2018, cùng với sự ra đời của Luật Hỗ trợ DNNVV, công tác hỗ trợ DN ngày càng được quan tâm, đi vào chiều sâu. Tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV. Sở KH-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ dành cho DNNVV, trong đó có hỗ trợ dành cho các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo loại hình DN. Hoạt động khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh cũng được tỉnh hết sức quan tâm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đánh giá, cùng với việc ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ DN thì hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng DN trong sản xuất kinh doanh cũng được quan tâm thực hiện như hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho DNNVV, hỗ trợ DNNVV tiếp cận tín dụng, hỗ trợ kết nối DN thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức kết nối thị trường cả trong và ngoài nước... Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ miễn phí và giảm phí cho các DN mới thành lập như: hỗ trợ phí cung cấp chữ ký số qua mạng, hỗ trợ cung cấp dịch vụ kế toán miễn phí, dịch vụ miễn phí 6 tháng về kê khai thuế, cung cấp phần mềm kế toán miễn phí...
Sơ chế sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại Công ty TNHH Nông nghiệp Nhất Thống tại xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ). |
Nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, kết nối giao thương trong và ngoài nước, hỗ trợ DN nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, đề án; tổ chức, hỗ trợ DN tham gia các hội chợ, triển lãm mang tính khu vực; phối hợp với các tỉnh, thành khác tổ chức cho các DN trong tỉnh gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa…
Nhờ đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 2.935 triệu USD, bằng 77,95% kế hoạch (3.765 triệu USD). Đặc biệt, nhiều DN đã phát huy được những lợi thế của mình, chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường, hội nhập ngày càng sâu hơn vào kinh tế quốc tế, kinh tế khu vực; đóng vai trò chủ đạo trong công tác xuất nhập khẩu của tỉnh.
Hiện nay, hàng hóa của Đắk Lắk đã xuất khẩu sang hơn 63 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nhất là đã thâm nhập được vào các thị trường lớn với yêu cầu chất lượng hàng hóa và vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt. Một số DN đã tiếp cận và sử dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chú trọng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, từ đó đứng vững trên thị trường.
(Còn nữa)
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc