Hội LHPN huyện Cư M'gar: Phát triển các tổ liên kết, hợp tác xã trong sản xuất
Phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, những năm qua Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cư M’gar đã vận động, khuyến khích và hướng dẫn các cơ sở hội thành lập các tổ liên kết sản xuất, hợp tác xã. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ.
Thay vì mạnh ai nấy làm như trước đây, tham gia Tổ hợp tác liên kết chăn nuôi dê, các hội viên phụ nữ ở tổ dân phố 8 (thị trấn Quảng Phú) đã cùng phối hợp tìm đầu ra cho sản phẩm, gây dựng nguồn quỹ chung hơn 200 triệu đồng giúp nhau mở rộng quy mô, tăng số lượng đàn dê; đồng thời, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh…
Đến nay, tổ hợp tác đã duy trì được đàn dê trên 700 con, tăng hơn 400 con so với năm 2019 (chiếm 30% tổng đàn dê trên địa bàn). Việc liên kết trong chăn nuôi đã giúp các chị em nâng cao thu nhập, yên tâm phát triển sản xuất…
Bà Nguyễn Thị Công, Tổ phó Tổ hợp tác chia sẻ: “Tham gia Tổ hợp tác liên kết chăn nuôi dê, các thành viên hỗ trợ nhau rất nhiều, nhất là trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Qua kết nối, chia sẻ của các thành viên, sản phẩm đã được các thương lái, cơ sở gia chánh trong và ngoài địa bàn tìm đến thu mua tận nơi. Làm ăn hiệu quả, chị em đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi, có hộ phát triển đàn dê lên đến 30 – 40 con, nhiều hộ có thu nhập đến 70 – 80 triệu đồng/năm”.
Thành viên Tổ hợp tác liên kết chăn nuôi dê tổ dân phố 8, thị trấn Quảng Phú chăm sóc đàn dê. |
Hơn một năm nay, Tổ liên kết sản phẩm thổ cẩm Ea Tul không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn giúp chị em trên địa bàn xã phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thêm thu nhập. Dù chỉ mới đi vào hoạt động nhưng đến nay Tổ liên kết sản phẩm thổ cẩm Ea Tul đã xuất bán ra thị trường hàng trăm sản phẩm dệt truyền thống của đồng bào Êđê như: Áo váy nam, nữ, túi xách, ví, khăn… Sau khi trừ các chi phí mua nguyên vật liệu, mỗi thành viên có thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, đặc biệt có thành viên thu nhập lên đến gần 8 triệu đồng/tháng…
Hiện nay, Hội LHPN huyện Cư M’gar đã vận động thành lập được 6 tổ hợp tác liên kết sản xuất, kinh doanh và 1 hợp tác xã với hơn 100 thành viên, tập trung ở các ngành, nghề như: dệt thổ cẩm, trồng lúa, rau xanh, chăn nuôi dê…
Nhìn chung, sau khi tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã, giá trị sản phẩm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập của phụ nữ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng cao đáng kể; đặc biệt nhiều chị em từ khó khăn đã vươn lên thoát nghèo bền vững, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định hơn.
Bà H’Lúi Niê, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư M’gar cho biết: “Để hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã, Hội LHPN huyện và cơ sở thường xuyên kết nối giữa hoạt động dạy nghề, tư vấn nghề và hỗ trợ khởi sự kinh doanh; kết nối với các doanh nghiệp nhằm tạo thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của các tổ hợp tác. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hội viên được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các kênh của ngân hàng, các “tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm”... Nhìn chung, các tổ hợp tác liên kết sản xuất, hợp tác xã đều hoạt động khá tốt, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập của các thành viên được nâng lên đáng kể”.
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc