Multimedia Đọc Báo in

Khởi sắc nông nghiệp, nông thôn vùng biên Ea Súp

08:48, 19/09/2020

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, các cấp Hội Nông dân huyện Ea Súp đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn; khẳng định vai trò “trung tâm” hỗ trợ, khơi dậy sức mạnh của nông dân trong xây dựng đời sống kinh tế - xã hội của địa phương.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ea Súp Bun Xay Êban cho biết, sau 10 năm thực hiện Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” (Đề án 61), Hội Nông dân các cấp của huyện đã chủ động xây dựng chương trình phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể liên quan; triển khai nhiều hoạt động trợ giúp nông dân có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng biên ngày càng khởi sắc.

Mô hình trồng nấm rơm của hội viên nông dân xã Ya Tờ Mốt.
Mô hình trồng nấm rơm của hội viên nông dân xã Ya Tờ Mốt.

Trong phát triển nông nghiệp, song song với đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình phù hợp với thực tiễn của địa phương, các cấp Hội Nông dân huyện Ea Súp còn tăng cường hoạt động dịch vụ, hỗ trợ vốn, kỹ thuật thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi, chương trình tập huấn khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… Qua đó giúp hội viên nông dân nâng cao trình độ, kiến thức và có thêm nguồn lực mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện đã quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Với gần 1,3 tỷ đồng tiếp nhận từ Trung ương và ngân sách địa phương, Hội Nông dân huyện chỉ đạo hội cơ sở triển khai thực hiện 11 dự án trồng trọt, chăn nuôi tại các xã Ea Bung, Cư Kbang, Ia R’vê, Ea Rốk… với 67 hộ được vay vốn đầu tư sản xuất. Đến nay, các mô hình, dự án vay vốn bước đầu phát huy hiệu quả, tăng thu nhập cho các hộ nông dân. Điển hình như dự án trồng cây ăn trái có múi (quýt đường, bưởi da xanh) tại xã Ia R’vê được thực hiện từ năm 2017, cho 5 hộ vay vốn với số tiền 50 triệu đồng để trang bị và nâng cấp hệ thống tưới tiêu cho vườn cây ăn trái. Ông Cao Hoài Trung, thành viên dự án trồng cây ăn trái có múi chia sẻ: "Nhờ được vay vốn và tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật mà chúng tôi có điều kiện để đầu tư, phát triển sản xuất, từ đó đem lại nguồn thu nhập ổn định từ 50 - 70 triệu đồng/năm/hộ; giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động".

Cùng với hỗ trợ vốn, Hội Nông dân huyện luôn khuyến khích hội viên nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, liên kết sản xuất. Theo đó, Hội đã xây dựng và duy trì 13 mô hình kinh tế tập thể (với 38 hội viên nông dân tham gia) trong đó có nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu có thể kể đến mô hình trồng lúa chất lượng cao trên diện tích 60 ha tại xã Ea Bung với hơn 200 hộ nông dân tham gia. Tham gia mô hình, các hộ nông dân được tập huấn, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa một số giống lúa có chất lượng vượt trội như NA2, Đài Thơm, ST24… vào gieo trồng. Nhờ vậy, năng suất lúa đạt từ 7 - 8 tạ/sào, kinh tế dần được cải thiện hơn trước. Từ thành công của mô hình, 15 hộ dân đã đứng ra liên kết với nhau thành lập nên Hợp tác xã lúa Ea Súp để sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, hữu cơ. 

Mô hình nuôi gà thả vườn của gia đình anh Nguyễn Văn Tâm (thôn 10, thị trấn Ea Súp).
Mô hình nuôi gà thả vườn của gia đình anh Nguyễn Văn Tâm (thôn 10, thị trấn Ea Súp).

Thực hiện Đề án 61 gắn với xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân huyện Ea Súp đã đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, hội viên về lợi ích thiết thực mà chương trình hướng tới là phục vụ đời sống của người dân, nên đã nhận được sự tích cực đóng góp về tiền của, ngày công lao động để xây dựng các công trình dân sinh. Từ năm 2010 đến nay, hội viên nông dân toàn huyện đã hiến gần 12.000 m2 đất, đóng góp 21.902 ngày công lao động để làm mới 18 công trình (cầu cống, sân trường, nhà sinh hoạt cộng đồng); bê tông, nhựa hóa 55,5 km; sửa chữa đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương nội đồng… Điển hình như hộ ông Lê Bá Căn (thôn 17, xã Ea Rốk) đã tự nguyện hiến 1.000 m2 đất; đồng thời vận động hai hộ dân lân cận cùng hiến hơn 900 m2 đất để mở rộng tuyến đường giao thông nội thôn. Không dừng lại ở đó, Hội Nông dân huyện đã vận động hơn 6.700 hội viên nông dân tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn; xây dựng 13 điểm thu gom rác thải sinh hoạt, 2 điểm thu gom rác thải nông nghiệp… góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Bun Xay Êban, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ea Súp khẳng định, thời gian tới tiếp tục xây dựng chương trình hành động thiết thực để phát huy vai trò nòng cốt, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; đồng thời xây dựng tổ chức hội và giai cấp nông dân huyện vững mạnh, có nhiều đóng góp quan trọng hơn nữa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.