Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng thương hiệu từ chữ "tín" và chất lượng dịch vụ

09:31, 25/09/2020

Từ một công ty nhỏ, doanh thu mấy năm đầu tiên chỉ đạt từ vài chục tới vài trăm triệu đồng, sau 15 năm hoạt động, Công ty TNHH Vận tải ô tô An Phước Đắk Lắk đã trở thành thành doanh nghiệp uy tín.

Với năng lực vận tải 2.000 tấn, mỗi năm vận chuyển khoảng 150.000 tấn hàng hóa; doanh thu năm 2019 đạt gần 140 tỷ đồng, đóng góp ngân sách trên 2 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 150 lao động với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng… những con số ấn tượng ấy phần nào thể hiện bản lĩnh của “người chèo lái” con thuyền doanh nghiệp – Giám đốc công ty Phạm Đông Thanh.

Với niềm đam mê kinh doanh, năm 2005 khi đang công tác tại Cục Hải quan Đắk Lắk, anh Thanh đã “rẽ ngang” để khởi nghiệp trong lĩnh vực vận tải. Xác định xây dựng thương hiệu từ chữ “tín” và chất lượng dịch vụ phải được đặt lên hàng đầu, lấy khẩu hiệu “Sự hài lòng của quý khách là thành công của công ty” làm kim chỉ nam trong quá trình hoạt động, anh Thanh đã không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư nâng cấp phương tiện với mục tiêu đưa công ty trở thành một doanh nghiệp vận tải chuyên nghiệp.

Anh Phạm Đông Thanh (bên phải) đại diện Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk ký kết thỏa thuận thành lập  Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đắk Lắk tại Ngày hội Khởi nghiệp năm 2019.  Ảnh: L.Phương
Anh Phạm Đông Thanh (bên phải) đại diện Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk ký kết thỏa thuận thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đắk Lắk tại Ngày hội Khởi nghiệp năm 2019.

Nhận thức rõ uy tín của doanh nghiệp là cốt lõi, trong đó con người là yếu tố quyết định, do vậy anh Thanh luôn chú trọng tuyển dụng, đào tạo và sắp xếp nhân sự; tổ chức phòng, ban hợp lý, phù hợp với tình hình kinh doanh. Đồng thời xây dựng quy trình, quy chế làm việc khoa học, kết hợp với đánh giá hiệu quả công việc được lượng hóa bằng các chỉ tiêu cụ thể; tổ chức quản lý tập trung, thống nhất từ trên xuống dưới tạo chất lượng dịch vụ luôn được đồng nhất với tất cả khách hàng. Trong những giai đoạn khó khăn nhất, anh vẫn luôn cố gắng bảo đảm thu nhập cho người lao động của công ty, tạo môi trường làm việc thoải mái, chuyên nghiệp để mọi cá nhân có thể tự do phát huy hết khả năng của mình.

Bằng sự năng động, anh Thanh từng bước đưa công ty phát triển, khẳng định vị thế của doanh nghiệp với khả năng cung cấp năng lực vận tải lớn nhất tỉnh Đắk Lắk cũng như khu vực Tây Nguyên với hơn 100 đầu phương tiện vận tải hàng hóa tải trọng từ 5 - 33 tấn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển đa dạng của khách hàng, đặc biệt là khách hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn hoặc có yêu cầu khắt khe về tiến độ giao nhận và chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, công ty còn cung cấp các dịch vụ về kho, bãi, bốc dỡ hàng hóa và các dịch vụ khác liên quan đến hàng hóa, với diện tích kho bãi trên 7.000 m2, đội ngũ bốc xếp chuyên nghiệp, cùng các phương tiện xếp dỡ hiện đại. Từ uy tín tạo lập được trên thương trường, năm 2018 thương hiệu An Phước lọt vào Top 200 doanh nghiệp đạt Giải thưởng Sao vàng Đất Việt; năm 2019, công ty đã được cấp Giấy chứng nhận ISO 9001:2005 số: 13041900 của Công ty TNHH Kencert về “Vận tải hàng hóa bằng đường bộ và dịch vụ logistics (Hàng rời và hàng đóng gói)”.

Giám đốc Công ty TNHH Vận tải ô tô An Phước Đắk Lắk Phạm Đông Thanh.
Giám đốc Công ty TNHH Vận tải ô tô An Phước Đắk Lắk Phạm Đông Thanh.

Không chỉ dành trọn tâm huyết cho hoạt động kinh doanh vận tải, anh Thanh còn thường xuyên quan tâm đến công tác an sinh xã hội tại địa phương với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, như: hỗ trợ kinh phí xây nhà Nhân ái trị giá 50 triệu đồng cho gia đình chính sách ở xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột); ủng hộ người dân bị thiên tai; trao học bổng tặng học sinh dân tộc thiểu số tại xã Cư Suê (huyện Cư M’gar); tham gia các chương trình Xuân thân ái do Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh và Hội Doanh nhân trẻ phối hợp tổ chức… Là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk khóa VI nhiệm kỳ 2018 - 2021, anh Thanh và Ban Chấp hành Hội đã nghiên cứu, đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo động lực, niềm cảm hứng cho các bạn trẻ khởi sự kinh doanh, từ đó góp phần tích cực vào nâng cấp hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh.

Lan Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.