Dấu ấn trong thu hút đầu tư
Từ nỗ lực trong công tác thu hút đầu tư, đem đến cơ hội cho các doanh nghiệp (DN), những năm qua tỉnh Đắk Lắk đã thu hút được nhiều nhà đầu tư là các tập đoàn, tổng công ty lớn có uy tín và tiềm lực về kinh tế. Nhiều dự án lớn được triển khai đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những “điểm nhấn”
Ðiểm nhấn quan trọng trong thời gian qua là tỉnh ta đã thu hút, xây dựng được nhiều dự án lớn, công nghệ hiện đại, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của tỉnh mà của cả nước. Tiêu biểu như Dự án hiện đại hóa nâng công suất Nhà máy luyện cán thép từ 250.000 tấn/năm lên 550.000 tấn/năm của Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á. Sau khi triển khai dự án, công ty đã sản xuất thành công dòng sản phẩm chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật của ngành xây dựng. Đây cũng là bước ngoặt đưa Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á trở thành DN sản xuất thép số một của khu vực Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy nền công nghiệp của tỉnh phát triển.
Công nhân Cụm nhà máy điện mặt trời Sêrêpốk 1 và Quang Minh (thôn 9, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) kiểm tra thiết bị quan trắc. |
Hay như dự án điện gió đầu tiên được đầu tư và đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh là Trang trại phong điện Tây Nguyên (thôn 4, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo) của Công ty Cổ phần giải pháp năng lượng gió HBRE. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Công ty cho biết, dự án chính thức thi công từ tháng 10-2017, với công suất thiết kế 28,8 MW, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.800 tỷ đồng. Đến nay đã lắp đặt xong 12 tụ máy, trong đó có 5 tụ máy đã vận hành phát điện từ tháng 9-2019 với công suất 12 MW và đã phát được hơn 40 triệu kWh, số giờ phát khoảng gần 10 giờ/ngày, hiệu suất đạt 40%. Kết quả trên đã vượt kỳ vọng của nhà đầu tư.
Một "điểm nhấn" khác nữa trong thu hút đầu tư của tỉnh trong giai đoạn 2015 - 2020 là Dự án cụm nhà máy điện mặt trời Sêrêpốk 1 và Quang Minh (gọi tắt là Cụm nhà máy) do Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển điện Đại Hải và Công ty Cổ phần Điện mặt trời Sêrêpốk đầu tư tại thôn 9, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn. Cụm nhà máy có tổng công suất 100 MWp, được xây dựng trên diện tích 120 ha, với tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng, chính thức phát điện vào cuối tháng 1-2019. Đây là một trong những cụm nhà máy điện mặt trời lớn nhất Việt Nam đã phát điện. Cụm nhà máy này cung cấp cho điện lưới quốc gia sản lượng khoảng 250 triệu kWh/năm, doanh thu khoảng 500 tỷ đồng và nộp ngân sách địa phương 50 tỷ đồng/năm.
Với mục tiêu tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư, mở rộng lĩnh vực và hình thức đầu tư, hướng vào những thị trường giàu tiềm năng và các tập đoàn kinh tế lớn, trong thời gian tới Đắk Lắk sẽ tập trung mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm nâng cao vị thế, cải thiện môi trường thu hút đầu tư vào địa phương”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường
|
Theo ông Vũ Đình Trưng, Phó Giám đốc Sở Công thương, sự hình thành các nhà máy điện gió, điện mặt trời đã góp phần nâng sản lượng điện toàn tỉnh, tăng nguồn thu cho ngân sách, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh nói riêng, của khu vực Tây Nguyên nói chung.
Nỗ lực thu hút đầu tư
Để có được những thành công đó, trong thời gian qua, Đắk Lắk đã tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công tác vận động, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. UBND tỉnh đã xây dựng và tích cực triển khai kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đồng thời chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế “một cửa” tại các sở, ban, ngành và hỗ trợ nhà đầu tư triển khai những dự án được quyết định chủ trương đầu tư... UBND tỉnh cũng đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2019 (trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7) và trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự án, với tổng vốn đầu tư 14.330 tỷ đồng; 25 dự án được ký Bản ghi nhớ đầu tư, với tổng vốn dự kiến 57.289 tỷ đồng. Cũng tại hội nghị này, UBND tỉnh đã ký kết Chương trình hợp tác giữa tỉnh Đắk Lắk với các Bộ: Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư... Bên cạnh đó, công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và thực hiện dưới nhiều hình thức. Nhờ đó, từ một tỉnh thuần nông, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 1 khu công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy 100%; 8 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy 67%.
Công nhân Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á gia công chi tiết máy. |
Ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, toàn tỉnh thu hút 318 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 30.880 tỷ đồng. Trong đó có 96 dự án đầu tư đã hoàn thành và đi vào hoạt động, với tổng số vốn trên 7.500 tỷ đồng; 222 dự án đầu tư đang thực hiện thủ tục hoặc đang trong quá trình triển khai. Số vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước thu hút được đã góp phần thực hiện kế hoạch tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm đạt 8,75%/năm (kế hoạch là 8,5 - 9%/năm); giải quyết việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo... Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển đô thị, du lịch sinh thái... Trong thời gian tới sẽ có một số dự án lớn thuộc các lĩnh vực này triển khai và được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều hiệu quả sau khi hoàn thành, tạo thêm những động lực quan trọng để tỉnh phát triển.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc