Dư nợ tín dụng chính sách qua vay ủy thác đạt 220.545 tỷ đồng
14:55, 01/10/2020
Ngày 1-10, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp với các hội, đoàn thể Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách giai đoạn 2015 – 2020.
Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Nguyễn Tuấn Hà; đại diện các hội, đoàn thể và sở, ngành của tỉnh.
Theo số liệu của NHCSXH, tổng dư nợ chương trình tín dụng thực hiện theo phương thức ủy thác cả nước đạt 220.545 tỷ đồng (chiếm trên 99,5% dư nợ cho vay), tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 11,8%. Cụ thể, dư nợ ủy thác thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chiếm 38,8%, Hội Nông dân Việt Nam: 30,6%, Hội Cựu chiến binh Việt Nam: 16,7%, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: 13,9%. Cả nước hiện có 173.712 tổ tiết kiệm và vay vốn, với gần 6,5 triệu tổ viên còn dư nợ, bình quân dư nợ 1,3 tỷ đồng/tổ, 34 triệu đồng/khách hàng. Theo kết quả chấm điểm phân loại, trên 83,7% tổ đạt loại tốt, 11,7% khá, 3,9% tổ trung bình. Giai đoạn 2015 – 2020, tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn qua vay ủy thác tăng từ 23% lên 94%, nợ xấu giảm từ 0,38% xuống 0,25%.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk |
Riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tổng dư nợ cho vay ủy thác hiện đạt hơn 5.072 tỷ đồng, trong đó, ủy thác qua Hội Nông dân: 1.604 tỷ đồng, Hội Phụ nữ: 1.671 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh: 927 tỷ đồng, Đoàn Thanh niên: 868 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các đại biểu, hoạt động ủy thác vẫn còn một số hạn chế như: cán bộ phân công chuyên trách theo dõi ủy thác thiếu ổn định; công tác kiểm tra, giám sát tại một số đơn vị chưa quyết liệt; công tác phối hợp giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị tại một số địa phương còn chưa chặt chẽ…
Đại diện Hội Cựu chiến binh tỉnh tham gia ý kiến về công tác cho vay ủy thác của Hội |
Thời gian tới, NHCSXH sẽ tập trung huy động, tăng nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; nâng cao hiệu quả phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội phù hợp với điều kiện thực tiễn; đồng thời, đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Về phía các hội, đoàn thể, chú trọng công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách; tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn. Tại hội nghị, NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội cũng đã thể hiện cam kết phối hợp chặt chẽ trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách để đồng vốn đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc