Multimedia Đọc Báo in

Đưa tiến bộ kỹ thuật đến với nông dân trồng lúa

08:32, 01/10/2020
Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, những năm qua năng suất và chất lượng lúa của nông dân huyện Krông Bông không ngừng tăng lên; qua đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.

Theo Trạm Khuyến nông huyện Krông Bông, sản xuất lúa nước có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của huyện nhà. Hằng năm nông dân gieo trồng khoảng 5.000 ha vụ đông xuân và trên 2.000 ha vụ hè thu. Các giống lúa được bà con gieo sạ liên tục trong nhiều năm gần đây chủ yếu là HT1, ML48, Q5... Mặc dù, những giống này khá phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai ở đây cho năng suất đạt khá cao, tuy nhiên việc gieo trồng nhiều năm liền đã dẫn đến sự suy giảm về năng suất và dễ phát sinh sâu bệnh hại trong canh tác lúa nước.

Chính vì vậy, Trạm Khuyến nông huyện đã thường xuyên tìm chọn những giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt, sạch bệnh để thử nghiệm và nhân rộng ra đại trà nhằm tăng thu nhập cho người trồng lúa. Đơn vị đã phối hợp với các công ty cung cấp cây giống, xây dựng nhiều mô hình trình diễn những  giống lúa mới để người dân tìm hiểu, ứng dụng và nhân rộng. Mới đây là mô hình khảo nghiệm giống lúa TBR97 trong vụ hè thu 2020, với diện tích 0,5 ha. Sau hơn ba tháng thực hiện cho thấy, giống lúa TBR97 thích hợp với điều kiện tự nhiên tại huyện Krông Bông, cho năng suất cao, đạt khoảng 8 - 10 tấn/ha; chất lượng gạo ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện nay. Điều quan trọng hơn là mô hình đã giúp nông dân nắm vững được kỹ thuật và áp dụng tốt vào thực tế để sản xuất lúa có năng suất, đồng thời làm cơ sở để đưa giống lúa mới vào thay thế các giống lúa cũ đang trồng đại trà tại địa phương.

Nông dân tham quan mô hình giống lúa TBR97 ở xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông).
Nông dân tham quan mô hình giống lúa TBR97 ở xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông).

Anh Thái Cao Dương (thôn 8, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) phấn khởi cho biết, gia đình anh được lựa chọn làm mô hình khảo nghiệm giống lúa TBR97, với diện tích 2 sào. Trong quá trình gieo sạ, chăm sóc giống lúa này, anh thấy lúa phát triển mạnh, đẻ nhánh và kháng bệnh tốt, đặc biệt là rất thích hợp với đồng đất và khí hậu vùng này. Dự kiến đến vụ đông xuân tới, gia đình sẽ tiếp tục sử dụng giống lúa này thay cho giống Nàng Thơm hay dùng trước đây, vì giống lúa này cho năng suất và khả năng kháng bệnh tốt hơn mà chất lượng gạo thì tương đương.

Còn ông Lê Văn Thảo (thôn 12, xã Khuê Ngọc Điền) thì cho hay, gia đình cũng được tham gia trồng khảo nghiệm với diện tích 1,5 sào. Do gia đình gieo sạ muộn hơn thửa của anh Dương nên gặp mưa, bị ngập lụt và trôi giống nhiều. Tuy nhiên, qua chăm sóc, thấy lúa này phát triển rất mạnh và bông lúa trĩu hạt hơn so với các giống trước đây gia đình hay dùng; năng suất ước đạt cũng khoảng 8 tạ/sào. Vụ tới, gia đình sẽ làm lại vì giống kháng bệnh tốt nên đầu tư chăm sóc ít hơn, nhưng năng suất ước đạt cao, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.

Theo đánh giá của Trạm Khuyến nông huyện, mô hình thực nghiệm tại xã Khuê Ngọc Điền đã giúp nông dân được “mắt thấy, tai nghe, tay sờ”, để có sự chọn lựa phù hợp. Trạm cũng đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân xây dựng cánh đồng mẫu lớn, giúp nông dân hướng đến sản xuất hàng hóa đối với giống lúa này.

Ngoài việc hỗ trợ xây dựng một số mô hình quy mô nhỏ, chuyển giao kỹ thuật các giống lúa mới, chất lượng cao (như Đài Thơm 8, RVT, ST24), Trạm còn làm các mô hình quy mô lớn từ 20 - 30 ha nhằm đưa các giống lúa tốt vào sản xuất đại trà. Đặc biệt, từ thành công của các mô hình trên, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình đã chọn lúa giống ST24 để liên kết với nhiều hộ dân đưa vào gieo sạ với quy mô lớn (50 ha). Đây là loại giống xuất khẩu có năng suất và chất lượng cao, nhờ đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, năng suất đạt bình quân 12 tấn/ha, cao hơn các loại giống thường từ 3 - 4 tấn/ha.

Các cuộc hội thảo đầu bờ giúp nông dân kiểm chứng tốt hiệu quả các mô hình trình diễn.
Các cuộc hội thảo đầu bờ giúp nông dân kiểm chứng tốt hiệu quả các mô hình trình diễn.

Riêng năm 2020, Trạm xây dựng được ba mô hình, trong đó có mô hình trồng lúa Đài Thơm 8 cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Cư Pui, với diện tích 3,5 ha và 20 hộ tham gia. Đây là vùng sản suất lúa năng suất thấp hơn các địa phương khác trong huyện, chỉ đạt gần 6 tấn/ha, do trình độ sản xuất của người dân còn hạn chế và chưa mặn mà đối với lúa lai vì chi phí giống cao. Với mô hình thâm canh lúa thuần chất lượng cao Đài Thơm 8 sẽ giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở đây tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa, đồng thời tăng sản lượng và chất lượng hạt lúa. Dự kiến, còn hơn một tháng nữa là diện tích này cho thu hoạch, năng suất ước đạt 8 tấn/ha, chất lượng gạo thơm ngon hơn các giống lúa truyền thống trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đức Trung, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Krông Bông cho biết, bên cạnh xây dựng các mô hình sản xuất, Trạm còn phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa nước cho nông dân. Cùng với đó là việc phát triển đội ngũ khuyến nông cơ sở để tạo hiệu quả thiết thực trong chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân.

 

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.