Khai thác tiềm năng phát triển du lịch gắn với nông nghiệp ở Đắk Lắk
Đắk Lắk có vị trí địa chiến lược quan trọng, là trung tâm vùng Tây Nguyên; là tỉnh có diện tích lớn, dân số đông, đa dạng về thành phần dân tộc, đa văn hóa; nhiều tài nguyên, thiên nhiên hài hòa, khí hậu mát mẻ quanh năm rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và khai thác du lịch.
Tuy nhiên, hiện Đắk Lắk vẫn là tỉnh nghèo do thu nhập từ nông nghiệp vẫn còn bấp bênh và chưa tận dụng được lợi thế để phát triển du lịch làm tăng GRDP cho tỉnh.
Để Đắk Lắk bứt phá đi lên, phải kết hợp nông nghiệp với phát triển du lịch, cần đầu tư phát triển ngành du lịch một cách có tổ chức và bài bản hơn trên nền tảng những giá trị văn hóa nông nghiệp và hạ tầng nông nghiệp sẵn có của tỉnh. Nông nghiệp Đắk Lắk có những sản vật và sản phẩm độc đáo có thể khai thác để phát triển du lịch được. Bên cạnh đó là những giá trị văn hóa bản địa (cả vật thể và phi vật thể) được tạo ra trong quá trình lao động sản xuất của đồng bào các dân tộc thiểu số góp phần tạo nên bản sắc riêng mà ngành du lịch Đắk Lắk có thể khai thác thành những sản phẩm đặc trưng riêng của địa phương.
Thiết nghĩ, để phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như kỳ vọng trong Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Đảng bộ, chính quyền địa phương cần mạnh dạn xoay chuyển nhận thức từ trục “nông nghiệp – du lịch” sang “du lịch – nông nghiệp”, từ đó lan tỏa tầm nhìn và truyền cảm hứng cho đội ngũ cán bộ, doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh; tiến tới chỉ đạo nghiên cứu và quy hoạch các loại hình du lịch giúp phát huy thế mạnh sẵn có của nền nông nghiệp; trên cơ sở đó kêu gọi đầu tư trong và ngoài tỉnh, thậm chí đầu tư quốc tế, đặc biệt là kích thích tư duy làm du lịch trong nhân dân, để nhân dân tự chủ, tự suy nghĩ cách làm và đầu tư công sức, tiền của vừa làm du lịch vừa phát triển nông nghiệp.
Từ thực tế hiện trạng phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk thời gian qua và nhu cầu thị trường, chúng tôi cho rằng có những dịch vụ du lịch sau đây tỉnh cần nghiên cứu, lựa chọn, ưu tiên phát triển:
Kết hợp farmstay với homestay: Đây là loại hình du lịch kết hợp trải nghiệm nông thôn với lưu trú tại nhà dân. Lợi thế của tỉnh trong phát triển loại hình du lịch này là không cần đầu tư gì nhiều mà tận dụng cơ sở vật chất sẵn có từ nhà dân, chỉ cần kiểm tra đủ điều kiện thì cấp phép kinh doanh. Những cánh đồng bát ngát, vườn cây trĩu quả, rừng núi bao la, những suối, khe, sông hồ, cảnh vật kỳ thú; làng văn hóa các dân tộc với những bản sắc văn hóa đặc trưng… chính là những hình thức trải nghiệm có thể kích thích sự khám phá của du khách, đặc biệt là ẩm thực đặc sản địa phương là "điểm nhấn" níu chân du khách. Sau chuyến du lịch, du khách có thể tìm mua rất nhiều sản vật của đồng bào dân tộc các địa phương trong tỉnh về làm quà, qua đó góp một phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Nếu tổ chức tốt và người dân chịu đầu tư, loại hình du lịch này sẽ hứa hẹn tạo ra một sự bứt phá cho ngành du lịch tỉnh Đắk Lắk.
Du khách nước ngoài tìm hiểu về các sản phẩm cà phê của Đắk Lắk. Ảnh: Thanh Hường |
Du lịch thiên nhiên – khám phá: Đây là loại hình du lịch tỉnh rất có tiềm năng nhưng vẫn chưa được khai thác. Đắk Lắk có địa hình rất đặc biệt, hệ thống rừng đa dạng trải đều khắp tỉnh, thiên nhiên phong phú. Có thể tổ chức cho du khách khám phá rừng núi bằng cách đi bộ, đạp xe, cắm trại ở lại qua đêm trong rừng... Nếu tỉnh quy hoạch những cánh rừng, những cung đường để phát triển loại hình du lịch này thì sẽ thu hút được một lượng khách nước ngoài, khách trong nước tham quan trải nghiệm. Ưu điểm của loại hình này là tỉnh chỉ cấp phép có thu phí, quản lý thông qua đơn vị tổ chức, còn lại mọi thứ du khách sẽ tự làm việc với công ty tổ chức tour. Phát triển loại hình du lịch này, tỉnh sẽ giữ được rừng, giải quyết việc làm cho nhân dân thông qua hoạt động hướng dẫn, mua sắm, tiêu thụ sản phẩm của địa phương, cho thuê phương tiện…
Du lịch giải trí – nghỉ dưỡng, kết hợp thăm thân: Đây là loại hình du lịch tổng hợp mà Đắk Lắk rất có ưu thế, do thời tiết các mùa của Đắk Lắk rất khác so với miền Trung và miền Bắc, nhất là mùa hè (mùa trọng điểm du lịch) nên là nơi thích hợp để đi nghỉ dưỡng; đồng thời là địa phương có đông người dân di cư từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc đến nên hằng năm có rất nhiều người dân từ các tỉnh, thành phố khác đến thăm người thân ở Đắk Lắk, qua đó họ kết hợp đi nghỉ dưỡng, tham quan. Do Đắk Lắk có rất nhiều cảnh đẹp, đa dạng về địa hình, từ rừng núi, thảo nguyên, hồ nước, đồng ruộng đến vườn tược, muông thú có thể đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm, giải trí, nghỉ dưỡng...
Trên tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình số 15-CTr/TU, ngày 13-7-2017 của Tỉnh ủy Đắk Lắk, để thu hút đầu tư phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, tỉnh cần đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh về nông nghiệp và du lịch gắn với nông nghiệp, qua đó kêu gọi liên kết, xúc tiến đầu tư từ các tỉnh, thành phố lớn, có lợi thế về du lịch trong cả nước; đồng thời hướng đến việc đầu tư phát triển tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, thương hiệu du lịch mang bản sắc Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng để khai thác tối đa lợi thế.
TS. Ngô Khắc Sơn
Học viện Chính trị khu vực III
Ý kiến bạn đọc