Mừng vui với mùa cau được giá
Thời điểm này, người trồng cau trong tỉnh đang chuẩn bị kết thúc mùa thu hoạch trong niềm vui vì cau năm nay được giá, thuận lợi đầu ra, mang lại nguồn thu nhập cao cho cả người trồng lẫn người buôn bán.
Trước đây, 3 sào đất của gia đình anh Nguyễn Đình Long (thôn 6, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) chỉ trồng độc canh cà phê. Nhận thấy cây cau dễ trồng, vốn đầu tư ít, mang lại hiệu quả kinh tế, năm 2000, gia đình anh đã trồng xen thêm 200 cây cau trong vườn cà phê. Sau 4 năm chăm sóc, diện tích cau đã cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt 30 – 40 kg/cây. Gia đình anh thu hoạch cau kéo dài từ tháng 6 đến tháng 12 (dương lịch), cứ cách 15 ngày thương lái sẽ vào vườn thu mua một lần. Với giá bán hiện tại 55.000 đồng/kg, anh tính toán sau khi kết thúc vụ cau, gia đình lãi khoảng 200 triệu đồng.
Vựa thu mua cau của anh Nguyễn Văn Đông (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin). |
Gia đình ông Nguyễn Đình Lâm (cùng ở thôn 6, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) cũng có 1,2 ha đất trồng 3.000 cây cau xen trong vườn tiêu và cà phê. Trong đó, 500 cây cau đang cho thu bói và 500 cây đã trồng được 20 năm tuổi vẫn đạt năng suất cao, diện tích cau còn lại gia đình ông mới trồng nên chưa được thu. Với 1.000 cây cau đang cho thu hoạch, từ đầu mùa đến nay, ông đã thu được 20 tấn quả tươi, dù vẫn còn 3 - 4 đợt hái nữa mới kết thúc vụ cau. Theo ông Lâm, những năm trước giá cau trung bình khoảng 10.000 đồng/kg, tuy nhiên, năm nay giá cau lên đỉnh điểm, gia đình ông hái sẵn để thương lái vào chỉ việc thu mua và xếp lên xe, giá bán tại ở vườn là 62.000 đồng/kg (cân cả nhánh, cả quả). Đây cũng là năm đầu tiên gia đình ông bán được cau với giá cao nhất trong nhiều năm trồng và chăm sóc loại cây này.
Không chỉ người trồng cau phấn khởi mà người buôn cau cũng vui mừng không kém. Đã sáu năm làm nghề buôn cau nên cứ đến mùa, anh Lê Văn Út (thôn Giang Phong, xã Tam Giang, huyện Krông Năng) lại rong ruổi khắp các con đường, ngõ ngách trong tỉnh và sang tận Lâm Đồng để tìm thu mua cau tươi. Vào thời điểm cau rộ, trung bình anh thu mua được 3 – 5 tạ cau tươi/ngày và chở về bán cho các vựa trên địa bàn huyện Krông Năng. Anh Út cho hay, nghề buôn cau rất vất vả, anh phải đi từ 6 giờ đến 19 giờ mới về nhà, Những khi đi thu mua ngoài tỉnh, anh phải thuê xe tải để chở cau và ở lại đó 2 – 3 ngày, tìm mua cau đến khi đầy xe mới về. Hầu như chỉ lúc ăn cơm, ngủ nghỉ là ở "dưới đất", thời gian còn lại chủ yếu làm việc "trên cây". Nhờ năm nay cau được giá nên người buôn cũng có công việc thường xuyên, lợi nhuận cao. Vào thời điểm cau rộ, anh lãi khoảng 1 triệu đồng/ngày. Hiện tại, đã cuối mùa cau, anh đi mua gom mỗi vườn một ít, cũng lãi được 300 - 400.000 đồng/ngày.
Không khí nhộn nhịp mua, bán cau tươi tại vựa của anh Nguyễn Văn Đông (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin). |
Theo anh Nguyễn Văn Đông (chủ vựa thu mua cau tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) cho biết, trung bình anh thu mua của người dân 5 - 6 tấn cau/ngày và bán tươi trực tiếp cho thương lái Trung Quốc. Do năm nay cau mất mùa hơn so với năm trước nên cau được thu mua với giá cao. Nếu đầu mùa giá chỉ 15.000 đồng/kg, thì giờ giá bán tại vựa đã tăng lên 62.000 đồng/kg (loại 1) và 60.000 đồng/kg (loại 2), giúp nhiều nhà vườn ăn nên làm ra.
Do lợi nhuận cao từ cây cau mang lại, thời gian gần đây, nhiều người người dân ở thị xã Buôn Hồ, các huyện như Krông Năng, Cư Kuin… đang có xu hướng mở rộng diện tích trồng cau. Tuy nhiên, giá cả, đầu ra của loại quả này còn bấp bênh, phụ thuộc vào sức mua của thương lái Trung Quốc. Để trách rủi ro không đáng có, người dân không nên đầu tư ồ ạt mở rộng diện tích, cần chủ động trồng xen vào các vườn tiêu, cà phê, cây ăn quả để mang lại hiệu quả kinh tế.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc