"Nở rộ" điện mặt trời mái nhà ở huyện Ea Súp
Thời gian gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện Ea Súp đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ và bán điện lại cho ngành điện.
Huyện Ea Súp nằm trong khu vực có số giờ nắng trung bình năm cao, năng lượng mặt trời khoảng 5 kWh/m2/ngày, số giờ tạo quang điện trong ngày tối thiểu khoảng 5 giờ. Nhận thấy điều này, bên cạnh các nhà đầu tư lớn triển khai những dự án ĐMT quy mô lớn trên đất, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện cũng mạnh dạn bỏ vốn đầu tư các công trình quy mô nhỏ trên mái nhà. Phong trào làm ĐMTMN bắt đầu khoảng ba năm nay, nhưng phát triển mạnh từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, ngày 6-4-2020 quy định về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT tại Việt Nam áp dụng từ 1-7-2019 đến 31-12-2020. Bên cạnh đó, Bộ Công thương, UBND tỉnh và ngành điện cũng có hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện.
Nhiều người dân thị trấn Ea Súp đã đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. |
Tháng 8-2019, ông Chu Trọng Minh (đường Âu Cơ, thị trấn Ea Súp) mạnh dạn bỏ ra 280 triệu đồng lắp hệ thống ĐMTMN, công suất 18 kWp. Theo ông, do điều kiện mặt bằng hạn chế và và chi phí đầu vào cao nên ông không thể đầu tư công trình quy mô lớn. Tuy nhiên, hiệu quả của hệ thống ĐMT này mang lại rất khả quan, do gia đình ông kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ và Internet, mức tiêu thụ điện cao, lượng điện sản xuất được từ hệ thống giúp gia đình ông giảm chi phí tiền điện hằng tháng từ 15 triệu đồng xuống còn 7 triệu đồng và hạn chế mua điện theo giá bậc thang cao. Tương tự, gia đình ông Nguyễn Quốc Huy (tổ dân phố B2, thị trấn Ea Súp) đầu tư công trình ĐMTMN trên diện tích 100 m2, công suất 20 kWp, tổng chi phí gần 300 triệu đồng. Ngoài phục vụ sinh hoạt, kinh doanh, mỗi tháng hệ thống ĐMT của gia đình còn phát lên lưới 2.000 – 2.700 kWh.
Theo Giám đốc Điện lực Ea Súp Nguyễn Văn Sỹ, để hỗ trợ khách hàng đầu tư lắp đặt ĐMTMN, ngành điện đã công khai khả năng đấu nối của khu vực, đường dây, máy biến áp để tư vấn cho khách hàng vị trí đấu nối phù hợp, bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong công tác đấu nối. Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật của đơn vị cũng đã hỗ trợ khách hàng đo chất lượng điện năng, bảo đảm chất lượng công trình và yêu cầu kỹ thuật đấu nối vào lưới điện quốc gia. Đồng thời, ngành điện cũng giám sát chặt về yêu cầu kỹ thuật, tính chất pháp lý và thẩm định kỹ lưỡng, tránh trường hợp khách hàng đăng ký nhưng không đầu tư.
Một công trình điện mặt trời mái nhà của người dân thị trấn Ea Súp. |
Trên địa bàn huyện Ea Súp hiện có 50 khách hàng đầu tư hệ thống ĐMTMN, tổng công suất 1,8 MWp, sản lượng điện phát lên lưới 120.000 kWh/tháng. Bên cạnh đó, 22 tổ chức, cá nhân đang triển khai công trình ĐMT tại các trang trại, công suất 21 MWp.
Theo quy định, các công trình nhỏ được đấu nối trực tiếp vào lưới hạ áp, còn các công trình có quy mô xấp xỉ 1 MWp được đấu vào lưới trung áp. Sự phát triển của các công trình ĐMTMN đã cung cấp sản lượng điện đáng kể cho hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, sự bùng nổ mạnh với tốc độ nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn của nó cũng đặt ra nhiều thử thách đối với hệ thống điện và công tác quản lý của ngành điện.
Cụ thể, các công trình ĐMTMN chỉ tập trung vào một số khu vực nhất định, chủ yếu là ở thị trấn Ea Súp, xã Ea Lê và một số địa bàn khác, gây nguy cơ quá tải cục bộ lưới điện. Hiện 11/150 trạm biến áp trên địa bàn huyện đã quá tải, không thể đấu nối, giải tỏa công suất cho các công trình ĐMTMN đầu tư mới. Để đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn huyện, ngành điện đã đầu tư thêm 3 trạm biến áp, dung lượng 220 kVA tại thị trấn Ea Súp. Thời gian tới, đơn vị sẽ khảo sát, đề xuất đầu tư, nâng dung lượng các trạm biến áp tại những khu vực khác mà lưới điện bị quá tải, hết khả năng đấu nối.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc