Multimedia Đọc Báo in

Thêm bài học thất bại từ... "bán cái mình có"

06:42, 05/10/2020

Chưa bao giờ giá bơ xuống thấp thảm hại và phải “giải cứu” như năm nay. Điều này một lần nữa mang lại bài học của việc “bán cái mình có”, dẫn đến nông sản làm ra thừa mứa.

Những năm trước, giá bơ các loại luôn ở mức cao, có thời điểm giá lên đến 80.000 đồng/kg. Nhưng năm nay giá bơ rẻ đến mức bất ngờ, hiện giá bán ra tại vườn chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, thậm chí, loại nhỏ chỉ bán được giá 4.000 - 5.000 đồng.

Giá bơ năm nay giảm mạnh do trước đây, trái cây này được giá, người dân đua nhau trồng, dẫn đến sản lượng quá nhiều, không tiêu thụ hết. Nhiều người lý giải, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến bơ không xuất đi Trung Quốc được nên giảm giá mạnh. Tuy nhiên, đây chỉ là một khía cạnh trong việc bơ không bán được.

Vấn đề ở đây là nhu cầu tiêu thụ bơ trên thế giới còn lớn và trái bơ phải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và những yếu tố khác. Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới đang trồng và xuất khẩu mạnh các loại bơ Hass và Lambhass. Đây là những giống cho năng suất cao và chất lượng tốt, thời gian chín lâu, dễ đóng gói, dễ chế biến theo quy trình công nghệ.

Trong khi ở Đắk Lắk cũng như các địa phương khác chủ yếu trồng những giống bơ bản địa. Các loại bơ này vỏ mỏng, mau hư nên không thể xuất khẩu. Riêng bơ booth khắc phục được những nhược điểm trên như vỏ dày, bảo quản được lâu, nhưng do không đúng tiêu chuẩn, thị hiếu người tiêu dùng nước ngoài nên không có nhiều tiềm năng xuất khẩu.

Ảnh: Nguyên Hoa
Đại biểu tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2019 tìm hiểu về một số giống bơ được trồng tại tỉnh. Ảnh: Nguyên Hoa 

Để giải quyết vấn đề trên, giúp trái bơ có thị trường ổn định, lâu dài thì người dân cần thay đổi suy nghĩ "bán những gì mình có" sang "bán những gì người ta cần". Cụ thể, người dân cần tìm hiểu về thị trường và những giống bơ được người tiêu dùng thông thái ưa chuộng và những vùng đất phù hợp. Điều này đòi hỏi các nhà khoa học, nhà quản lý phải xây dựng được danh mục những giống bơ tốt, loại nào phù hợp với thị trường trong nước, loại nào được thị trường thế giới ưa chuộng. Đồng thời, thông tin cho người nông dân về quy hoạch vùng trồng và quy trình canh tác khoa học.

Bên cạnh đó, bà con nên trồng bơ theo quy trình sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, hình thành các tổ, nhóm, câu lạc bộ trồng bơ nhằm hỗ trợ, liên kết sản xuất, tạo sản phẩm số lượng lớn, đồng đều về chất lượng và ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp một cách ổn định.

Một vấn đề khác là cơ quan chức năng cần có giải pháp khắc phục những bất cập trong khâu chế biến và tổ chức thương mại, bởi khi trái cây chỉ "trồng để ăn” thì sản lượng chắc chắn sẽ dư thừa, nó cần được chế biến thành nhiều sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ để giải quyết đầu ra...

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.