Multimedia Đọc Báo in

Ưu tiên nguồn lực cho nông nghiệp Tây Nguyên

06:28, 05/10/2020

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân vừa được tổ chức ở TP. Buôn Ma Thuột, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chính phủ luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn và tiếp tục dồn sức đầu tư xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nông dân…”.

Phải thay đổi tư duy sản xuất

Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, nông nghiệp có vị thế rất quan trọng với Việt Nam. Năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, nhiều nước trên thế giới tăng trưởng âm thì kinh tế Việt Nam vẫn phát triển, trong đó có sự đóng góp quan trọng của nông nghiệp, nông dân. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước. Vì vậy, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm sâu sắc đến phát triển khu vực này, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Vườn cà phê canh tác theo hướng hữu cơ của nông dân xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).
Vườn cà phê canh tác theo hướng hữu cơ của nông dân xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở khu vực này đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vùng Tây Nguyên. Nhiều nông dân đã đặt câu hỏi với Thủ tướng về thực trạng chung của các tỉnh Tây Nguyên hiện nay là một số cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu và cây trồng mới có giá cả bấp bênh; một số vùng, địa phương, nông dân chặt bỏ để trồng các loại cây trồng khác. Với thực trạng này thì Chính phủ có những giải pháp nào để phát triển cà phê, hồ tiêu bền vững, cũng như xây dựng, mở rộng các nhà máy chế biến nông sản để biến Tây Nguyên thành khu vực công nghiệp chế biến nông sản lớn của khu vực Đông Nam Á?

Bên cạnh đó, nhiều nông dân cũng quan tâm đến cơ hội tốt đang mở ra cho ngành sản xuất, chế biến cà phê khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi, nhất là 39 mặt hàng có Chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ, trong đó có cà phê Buôn Ma Thuột. Họ muốn biết những giải pháp của Chính phủ nhằm tận dụng cơ hội này và định hướng phát triển giúp nông dân đối với cây trồng chủ lực của Tây Nguyên trong bối cảnh giá cà phê xuống rất thấp.

Với những vấn đề nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cà phê là sản phẩm chủ lực chiến lược của Việt Nam, cà phê Việt Nam có chất lượng rất tốt, được thế giới đánh giá cao. Do đó, cần tiếp tục duy trì và quy hoạch vùng trồng phù hợp. Cùng với đó là không được tiếp tục phá rừng tự nhiên để trồng cà phê; nâng cao chất lượng trồng cà phê, thâm canh có chất lượng đối với cây cà phê. Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tiếp tục mở rộng ổn định thị trường, cấp vốn để tái canh cà phê, nâng cao chất lượng tái canh. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ cà phê chế biến sâu chỉ mới đạt 12%, Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản, Trung ương sẽ hỗ trợ vốn... Song song với đó, địa phương và nông dân cũng cần thay đổi tư duy sản xuất, sản xuất với quy mô lớn theo hướng hàng hóa.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cam kết, hội nghị diễn ra đúng dịp toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nô nức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, vì vậy nhiều vấn đề được đặt ra sẽ được cụ thể hóa trong Nghị quyết của Đại hội và trong Chương trình hành động của Chính phủ trong thời gian tới.

Thủ tướng cũng cho biết, trong những năm qua, công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam đã có tiến bộ. Năm nay, 15 nhà máy chế biến nông sản được khánh thành, trong đó có nhà máy chế biến thịt gà đứng vào top lớn nhất thế giới. Thủ tướng cũng nêu rõ, dư địa về phát triển chế biến nông sản của Việt Nam còn rất lớn. Nhà nước sẽ tạo mọi cơ chế, chính sách để kêu gọi các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường để đầu tư vào chế biến nông sản. Thế nhưng muốn phát triển được chế biến nông sản thì không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mà phải sản xuất có quy hoạch.

Tận dụng cơ hội lớn cho thị trường nông sản

Thủ tướng vui mừng cho biết, vừa qua thực sự là giai đoạn rất thành công trong việc kiến tạo chuỗi giá trị nông sản của nước ta, khi Việt Nam tham gia ký kết hơn 15 hiệp định thương mại tự do cả song phương và đa phương với các đối tác trên thế giới, đặc biệt là hai hiệp định lớn là Hiệp định CPTPP với 11 nước châu Á - Thái Bình Dương và EVFTA với Liên minh châu Âu (EU), mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bằng chứng là ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, chúng ta đã xuất khẩu được những lô hàng gạo, tôm, cà phê, chanh leo, dừa đầu tiên vào châu Âu với thuế suất bằng 0%.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp  của Đắk Lắk.  Ảnh: Hoàng Gia
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp của Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia

Để tận dụng cơ hội lớn này, Thủ tướng đề nghị bà con nông dân Tây Nguyên mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; phát huy lợi thế của Tây Nguyên trong sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, bơ, sầu riêng... theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Riêng đối với Hội Nông dân Việt Nam, cần tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm và nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và nông dân. Trong đó, tăng cường các nguồn lực hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân hình thành các hình thức liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, giúp nông dân xây dựng các mô hình, hình thành các hình thức kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp…

Minh Thuận - Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.