Xuất khẩu nông sản Tây Nguyên: Biến điểm yếu thành cơ hội
Tuy là vùng có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp, nhưng Tây Nguyên vẫn chưa khai thác hiệu quả tiềm năng.
Để “biến điểm yếu thành cơ hội cho xuất khẩu nông sản Tây Nguyên” như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị đối thoại với nông dân (tổ chức vào cuối tháng 9-2020) thì Tây Nguyên còn nhiều việc cần phải làm.
Phát triển chưa bền vững
Tây Nguyên được đánh giá là vùng có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng công nghệ cao. Hiện toàn vùng có gần 610.000 ha cà phê (chiếm 90% diện tích cà phê cả nước); 90.000 ha hồ tiêu (chiếm hơn 60%); 83.000 ha điều (chiếm 28%); hơn 250.000 ha cao su (chiếm 26%)... Đặc biệt là 5 năm trở lại đây, nhiều địa phương ở Tây Nguyên đang phát triển mạnh cây ăn quả, nhất là trong bối cảnh hàng loạt cây công nghiệp như: cao su, hồ tiêu, mía, sắn... liên tục xuống giá. Tính đến đầu năm 2020, diện tích cây ăn quả của Tây Nguyên khoảng 74.000 ha. Sầu riêng và bơ là những cây trồng chủ lực, trong đó, diện tích sầu riêng gần 23.000 ha, chiếm hơn 1/3 diện tích sầu riêng cả nước; cây bơ đạt 15.500 ha, chiếm hơn 3/4 diện tích trồng bơ cả nước. Tây Nguyên đang trở thành vùng chuyên canh lớn cây công nghiệp, cây ăn quả, góp phần quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước, đồng thời từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế trọng điểm.
Phát triển cây sầu riêng theo hướng hàng hóa đang là hướng đi trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk. |
Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc phát triển nông nghiệp tại một số địa phương vùng Tây Nguyên chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng; việc liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ yếu dừng ở khâu sản xuất và sơ chế thô. Bên cạnh đó, vấn đề tự phát mở rộng diện tích đối với những cây trồng có lợi thế kinh tế trước mắt gây nhiều hệ lụy và là một trong những thách thức cho sự phát triển bền vững. Mặt khác, việc liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp tuy bước đầu hình thành đối với một số sản phẩm, nhưng do yếu về liên kết trong chuỗi giá trị nên chưa tạo ra được nhiều sản phẩm có khả năng tiếp cận trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu, với thương hiệu và giá trị gia tăng cao.
Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, phát triển nông nghiệp Tây Nguyên cần gắn với các mục tiêu bảo vệ, phát huy hiệu quả, bền vững tài nguyên nước, rừng, đất. Mặt khác, đặc biệt chú ý đến ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp như công nghệ cảm biến, robot tự động hóa, máy bay không người lái… để tăng hiệu quả sản xuất cũng như gia tăng giá trị sản phẩm trong chuỗi giá trị toàn cầu. |
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT, mặc dù ngành nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk thời gian qua đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần phải tập trung khắc phục. Đó là, nông nghiệp phát triển chưa ổn định và bền vững, sản phẩm hàng hóa chưa tập trung, phương thức, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; sản xuất theo chuỗi giá trị, có chứng nhận, đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm chưa trở nên phổ biến; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa hiệu quả; còn ít sản phẩm chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ, sản phẩm chủ yếu bán thô nên chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm thấp… Đây cũng chính là một trong những "điểm nghẽn” chung trong phát triển nông nghiệp ở Tây Nguyên cần được tháo gỡ.
Cần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp
Những năm qua, việc tái cơ cấu nông nghiệp Tây Nguyên đã được triển khai theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp cơ bản như: thực hiện tốt quy hoạch sản xuất theo thị trường và theo ngành hàng nông sản; triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, trước hết là tổ chức nông dân và tổ chức thị trường để kiên trì thực hiện quy hoạch phát triển; triển khai triệt để chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân trong việc hình thành những doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, các công ty cổ phần nông nghiệp... trong vùng nông thôn, các HTX hay tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp; xác định một số đối tượng vật nuôi, cây trồng mới có lợi thế cạnh tranh của Tây Nguyên như cây ăn quả, cây dược liệu, cây đặc sản, bò sữa, bò thịt, ong, thủy sản để tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng gắn với tổ chức sản xuất, tổ chức thị trường, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu...
Vườn bơ của Hợp tác xã Bơ Đại Hùng Đắk Lắk. |
Tại Đắk Lắk, sau 5 năm triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn liên tục tăng qua các năm (bình quân tăng 5,64%/năm, gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước). Riêng năm 2020, ước đạt 22.300 tỷ đồng, tăng 7.016 tỷ đồng (tăng 45,9% so với năm 2015). Nông nghiệp của tỉnh phát triển khá toàn diện, có những đột phá trong một số lĩnh vực, từng bước hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, góp phần quan trọng trong đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, bảo đảm an sinh, ổn định chính trị, xã hội. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp, Đắk Lắk sẽ tập trung khai thác hiệu quả các lợi thế về điều kiện tự nhiên đối với ngành nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết, phát triển HTX; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến nông sản.
Trong kết luận tại Hội nghị đối thoại với nông dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ NN-PTNT bám sát nhiệm vụ chiến lược, kịp thời xây dựng các văn bản pháp luật, các chính sách liên quan đến việc quy hoạch, chuyển đổi, bố trí cây trồng chủ lực của vùng Tây Nguyên; tiếp tục có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là việc xây dựng các nhà máy chế biến nông sản.
Minh Thuận - Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc