Multimedia Đọc Báo in

Chủ động bảo đảm an toàn hồ chứa và vùng hạ du

08:04, 13/11/2020

Do ảnh hưởng của cơn bão số 12, trên địa bàn tỉnh đã có mưa to, có nơi mưa rất to khiến lượng nước đổ về các hồ chứa khá nhanh. Để bảo đảm an toàn hồ chứa và vùng hạ du, ngành nông nghiệp và các đơn vị quản lý công trình đã chủ động triển khai những biện pháp ứng phó.

Kiểm soát chặt quy trình xả lũ

Đắk Lắk hiện có 782 công trình thủy lợi, gồm 118 đập dâng, 57 trạm bơm và 607 hồ chứa, với tổng dung tích khoảng 650 triệu m3. Để bảo đảm an toàn vùng hạ du các công trình, trước mùa mưa bão, Sở NN-PTNT đều chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình rà soát, kiểm tra quy trình vận hành, tiến hành gia cố, sửa chữa các công trình có nguy cơ mất an toàn.

Đặc biệt, với cơn bão số 12 ảnh hưởng trực tiếp đến Đắk Lắk, Sở đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý công trình theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão. Đồng thời, tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện bảo đảm an toàn cho công trình và hạ du. Đối với các hồ đã đầy nước, cần chủ động điều tiết để đón lũ; kiểm tra việc cung cấp thông tin cho chính quyền, người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ theo quy định.

Cán bộ Sở NN-PTNT đi kiểm tra tình hình ở đập Yang Lah (huyện Lắk) sau cơn bão số 12.
Cán bộ Sở NN-PTNT đi kiểm tra tình hình ở đập Yang Lah (huyện Lắk) sau cơn bão số 12.

Theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, đơn vị thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của tỉnh để bảo đảm an toàn hồ chứa và vùng hạ du. Đối với cơn bão số 12, lãnh đạo đơn vị đã trực tiếp xuống kiểm tra các công trình trọng điểm như: Krông Búk hạ, Ea Rớt, Ea Súp thượng… để có những chỉ đạo kịp thời trong việc điều tiết nước cắt lũ, bảo đảm an toàn vùng hạ du các công trình.

Ông Phạm Hữu Thành, Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi huyện Krông Pách (thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk) cho biết: "Khi cơn bão số 12 đổ bộ vào đất liền, từ 8 giờ ngày 10-11, mực nước ở hồ Krông Búk hạ bắt đầu tăng; lưu lượng nước đến hồ là 40 m3/s. Tuy nhiên, chi nhánh thực hiện vừa tích lũ (lượng xả thấp hơn lượng nước đến), chỉ xả 25 - 30 m3/s, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho hạ lưu. Hiện dung tích hồ chịu đựng phòng lũ xấp xỉ 16 triệu m3 nước nên chúng tôi đang kiểm tra quy trình này rất chặt chẽ, bảo đảm an toàn cho hồ chứa và vùng hạ du".

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho hay, trước tình hình mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 12, lưu lượng nước đổ về các hồ chứa tương đối nhiều, trong ngày 10-11, công ty đã tiến hành cho xả lũ 5 hồ chứa có tràn xả sâu, gồm: Hồ Ea Súp thượng xả 1 cửa với lưu lượng 130 m3/s; hồ Ea Súp hạ xả 20 m3/s; hồ Krông Búk hạ xả 30 m3/s; hồ Buôn Joong xả 10 m3/s; hồ Ea Đrăng xả 4 m3/s. Đối với những hồ chứa vừa có tràn điều tiết đã đạt mực nước dâng thiết kế, công ty cho điều tiết lưu lượng xả nhằm bảo đảm an toàn cho vùng hạ du. Hiện vẫn còn 4 hồ tiếp tục xả lũ, gồm: Hồ Ea Súp thượng, hồ Krông Búk hạ, hồ Ea Đrăng, hồ Buôn Joong, với lưu lượng xả từ 3 - 40 m3/s.

Việc xả lũ đều được thực hiện đúng quy trình điều tiết đã được phê duyệt, bảo đảm an toàn hồ chứa và vùng hạ du. Hiện công ty vẫn tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh trên địa bàn tỉnh kiểm tra, theo dõi lượng nước đến các công trình để có phương án kịp thời điều tiết tránh lũ cho vùng hạ du.

Theo dõi sát các công trình xung yếu

Hằng năm, trước mùa mưa lũ, Sở NN-PTNT đều phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan đi kiểm tra hiện trạng công trình thủy lợi, nhất là các công trình bị hư hỏng nặng, có nguy cơ bị mất an toàn cao để báo cáo UBND tỉnh đề nghị Trung ương bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa, khắc phục. Đối với các công trình bị sự cố, hư hỏng nhỏ, các địa phương và đơn vị được giao trực tiếp quản lý khai thác công trình phải thường xuyên kiểm tra, lập dự án để sửa chữa, khắc phục, ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại do sự cố gây ra, bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa lũ. Qua kiểm tra của sở, trong tổng số 607 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, hiện nay có khoảng 160 hồ chứa nước vừa và nhỏ bị xuống cấp, trong đó có những công trình bị hư hỏng nghiêm trọng.

Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk đi kiểm tra tình hình ở hồ chứa Krông Búk hạ.
Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk đi kiểm tra tình hình ở hồ chứa Krông Búk hạ.

Theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, trong năm 2019 - 2020, công ty được UBND tỉnh hỗ trợ khoảng 10,5 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa 12 công trình. Đến nay đã có 7 công trình hoàn thành, 3 công trình đang thi công và 2 công trình đang chờ phê duyệt. Tuy nhiên, nguồn kinh phí vẫn còn thấp so với nhu cầu cấp thiết cần nâng cấp nên nhiều công trình chỉ mới khắc phục, sửa chữa tạm thời nhằm giảm nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.

Đơn cử như ở huyện M’Drắk, Chi nhánh Thủy lợi huyện M’Drắk đang quản lý 15 công trình, trong đó có 14 hồ chứa, 1 đập dâng. Sau cơn bão số 12, các hồ chứa cơ bản đã đầy, trong đó có 13/14 hồ nước đã qua tràn. Hiện tại, vùng hạ du các hồ chứa vẫn an toàn, không có khu vực dân cư nào bị ngập. Tuy nhiên, công ty vẫn lo lắng về nguy cơ mất an toàn đập của hồ 36 (thuộc xã Ea Mlây), thượng nguồn của hồ chứa C19 (xã Ea Riêng), với sức chứa khoảng 1 triệu m3 nước, có nguy cơ vỡ tràn do tràn đã bị hư hỏng, mặc dù đã được gia cố nhưng mới chỉ là giải pháp tạm thời. Nếu trường hợp bị vỡ tràn, sẽ đe dọa đến an toàn của hồ C19 và cư dân ở các thôn 7, 8 của xã Ea Riêng. Do đó, trước, trong và sau cơn bão số 12, chi nhánh cắt cử nhân viên túc trực thường xuyên tại công trình để theo dõi và ứng phó kịp thời nếu có sự cố xảy ra.

Trước thực trạng trên, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các chủ công trình tổ chức các đoàn kiểm tra, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ đập bị hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn cao để kịp thời phát hiện và xử lý khi có tình huống nhằm giảm thiểu thiệt hại. Sau mưa, lũ của cơn bão số 12, Đoàn công tác của Sở đã đi kiểm tra thực tế tại huyện Lắk để có giải pháp kịp thời, ứng phó với các cơn bão tiếp theo.

Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, tính đến ngày 12-11-2020, đã có 179/247 hồ chứa đạt mực nước dâng thiết kế; 50 hồ chứa có dung tích đạt từ 70 - 90%; 12 hồ đạt từ 50 - 70%; 6 hồ dưới 50%.

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.