Multimedia Đọc Báo in

Để dòng thác đẹp Krông Kmar "thức tỉnh"

07:57, 10/11/2020

Thác Krông Kmar (thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) là một thắng cảnh đẹp và từ lâu đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh.

Đây cũng là thắng cảnh đầu tiên và duy nhất trên địa bàn huyện Krông Bông được đầu tư thành điểm du lịch. Tuy nhiên, những năm qua dòng thác này như “chìm vào giấc ngủ” khi tạm dừng khai thác du lịch trong một thời gian dài.

Thác Krông Kmar bắt nguồn từ dãy núi Chư Yang Sin hùng vĩ, dãy núi cao nhất vùng Nam Tây Nguyên. Vẻ đẹp đầy lôi cuốn của Krông Kmar có được do dòng thác từ trên sườn cao của dãy Chư Yang Sin đổ xuống thành một dải trắng xóa. Dòng thác chảy vòng vèo, uốn lượn qua từng tảng đá nhẵn nhụi và tụ thành những hồ nước nhỏ trong xanh màu ngọc bích.

Vẻ đẹp hoang sơ của dòng thác Krông Kmar (huyện Krông Bông).
Vẻ đẹp hoang sơ của dòng thác Krông Kmar (huyện Krông Bông).

Theo UBND huyện Krông Bông, thác Krông Kmar được giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông khai thác, sử dụng làm điểm tham quan, du lịch từ năm 2001. Tuy nhiên sau một thời gian dài khai thác, cơ sở vật chất của Điểm du lịch thác Krông Kmar bị xuống cấp, môi trường cảnh quan bị phá vỡ do không được đầu tư nâng cấp, tôn tạo và hệ lụy của việc xây dựng thủy điện Krông Kmar. Vì vậy, huyện Krông Bông đã kêu gọi nhà đầu tư mới có năng lực đầu tư xây dựng điểm du lịch. 

Tháng 11-2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Bông thống nhất chủ trương cho Công ty Cổ phần Đầu tư Anzen đầu tư vào Dự án điểm du lịch thác Krông Kmar theo Danh mục công trình kêu gọi đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ngày 28-8-2017, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho Công ty Cổ phần Đầu tư Anzen đầu tư xây dựng thác Krông Kmar thành điểm du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng với tổng số vốn khoảng 50 tỷ đồng. 

Theo chủ trương đầu tư, điểm du lịch này có tổng diện tích đất sử dụng gần 5,5 ha, các hạng mục xây dựng bao gồm: khu du lịch sinh thái rừng, thác nước; khu nghỉ dưỡng - vui chơi, giải trí; khu nuôi và huấn luyện động vật hoang dã; khu trưng bày, bảo tồn văn hóa Tây Nguyên. Dự kiến các hạng mục sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, trên thực tế Điểm du lịch thác Krông Kmar vẫn đang trong tình trạng “ngủ đông” vì ngừng đón khách đã 3 năm nay. Từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư đến nay, hiện trạng của điểm du lịch này vẫn chưa hề thay đổi vì nhà đầu tư chưa tiến hành cải tạo hay xây dựng.

Mục sở thị điểm du lịch này, tấm bảng thông báo ngừng đón khách được gắn từ ngoài cổng. Khu du lịch đìu hiu, hoang vắng, tìm mỏi mắt mới thấy bóng dáng một khách tự do đến chiêm ngưỡng dòng thác. Anh T.H.P., một người dân sống ở tổ dân phố 5, thị trấn Krông Kmar – gần khu vực thác chia sẻ, điểm du lịch đóng cửa đã ba năm nay để tu sửa, cải tạo nhưng lâu lâu anh vào thăm thì thấy hiện trạng vẫn như vậy. Thác Krông Kmar là một thắng cảnh đẹp và cũng là một địa danh để khách muôn phương đến thăm và nhớ đến Krông Bông, nhưng lại chưa được đầu tư bài bản để đón khách nên rất hoang phí.

Còn anh N.V.T. ở xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) thì cho rằng, một dòng thác đẹp như vậy mà không được khai thác đúng mức và không đón khách tham quan thì thật đáng tiếc. Lần nào đến thăm bà con ở thị trấn Krông Kmar, anh cũng ghé đến để chiêm ngưỡng cảnh đẹp và cảm nhận không khí trong lành ở đây. Anh T. cũng mong điểm du lịch nhanh chóng hoạt động trở lại, có thêm nhiều dịch vụ hơn để anh cùng bạn bè và người thân đến tham quan.

 
Nếu hết thời gian thực hiện dự án theo quyết định giãn tiến độ mà Công ty Cổ phần Đầu tư Anzen vẫn chưa tiến hành đầu tư xây dựng Điểm du lịch thác Krông Kmar, UBND huyện sẽ đề xuất tỉnh rút giấy phép để giao cho chủ đầu tư khác” 
 
Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long.

Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, việc Công ty Cổ phần Đầu tư Anzen triển khai Dự án điểm du lịch thác Krông Kmar với quy mô lớn hơn, cùng các loại hình phụ trợ đa dạng được kỳ vọng sẽ góp phần làm thay đổi cảnh quan, thu hút du khách, tạo điểm nhấn du lịch của huyện. Tuy nhiên do nhiều vướng mắc nên đến nay vẫn chưa thể triển khai xây dựng. UBND huyện đã nhiều lần làm việc cũng như gửi văn bản cho nhà đầu tư nhằm đốc thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đồng thời đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tích cực phối hợp giải quyết những thủ tục, hồ sơ để dự án sớm được đầu tư, xây dựng. Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chấp thuận đề nghị giãn tiến độ đầu tư Dự án điểm du lịch thác Krông Kmar của Công ty Cổ phần Đầu tư Anzen đến hết ngày 28-8-2022.

Nhiều hạng mục trong Khu du lịch thác Krông Kmar đã xuống cấp.
Nhiều hạng mục trong Khu du lịch thác Krông Kmar đã xuống cấp.

Với việc được giãn tiến độ dự án này thì Điểm du lịch thác Krông Kmar sẽ còn tiếp tục “giấc ngủ” trong ít nhất hai năm nữa. Trao đổi với chủ đầu tư về những khó khăn, vướng mắc cũng như giải pháp để “đánh thức” điểm du lịch hoạt động trở lại, ông Phạm Anh Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Anzen cho hay, do việc xác định nguồn gốc đất của dự án phức tạp nên đơn vị phải mất rất nhiều thời gian. Đến cuối năm 2019 việc xác định nguồn gốc, ranh giới đất của dự án mới hoàn thành. Sau đó công ty phải thực hiện rất nhiều thủ tục như chuyển đổi đất, điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh phương án chuyển đổi rừng… Hiện công ty đang hoàn thành các thủ tục pháp lý để đưa vào quy hoạch 1/500 các hạng mục chính của dự án.

Nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện dự án vừa được gia hạn, nhanh chóng “thức tỉnh” điểm du lịch đã và đang được kỳ vọng của huyện Krông Bông, ngoài nỗ lực của nhà đầu tư, thiết nghĩ các ngành, các cấp và đơn vị có liên quan cần tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện những thủ tục pháp lý, đồng thời có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ.

Khả Lê

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.