Giảm rủi ro nhờ xen canh cây trồng theo hướng hữu cơ
Trồng xen các loại cây ăn quả vào vườn cà phê và chăm sóc theo hướng hữu cơ đang là hướng đi của nhiều nông dân trong tỉnh. Mô hình này giúp chủ vườn có nguồn thu quanh năm, giảm rủi ro trong quá trình sản xuất, sản phẩm làm ra an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Nhiều năm liền giá cà phê ở mức thấp, làm không có lãi, anh Trần Văn Tâm (thôn 5, xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) quyết định trồng xen thêm các loại cây ăn trái như bưởi da xanh, ổi, cam, quýt…
Với diện tích 2 ha, anh Tâm nghiên cứu, tính toán tỷ lệ trồng xen thích hợp. Ngay từ đầu, anh cũng xác định phát triển mô hình đa cây này theo hướng hữu cơ. Từ khi xuống giống, anh Tâm để cây phát triển tự nhiên, chỉ dùng phân hữu cơ và các loại thuốc có nguồn gốc sinh học. Khi cỏ dại mọc quá nhiều, anh mới dùng máy cắt, hạn chế tối đa sự tác động vào vườn cây.
Anh Tâm chia sẻ, dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cho năng suất cây trồng cao, nhưng tác động tiêu cực tới môi trường, làm thoái hóa đất, đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Chính điều này đã thôi thúc anh chuyển sang mô hình trồng cây theo hướng hữu cơ.
Anh Nguyễn Văn Phúc (bên trái) cùng anh Trần Văn Tâm trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả. |
Các loại cây ăn quả anh Tâm chọn xen canh gồm: cam, bưởi, quýt, ổi vừa dễ trồng, dễ chăm sóc và nhanh cho thu hoạch. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, bón phân hữu cơ đúng liều lượng, độ tuổi nên vườn cây luôn xanh tốt, phát triển đều, không dịch bệnh. “Mô hình này lấy ngắn nuôi dài, tạo bóng mát, tăng giá trị kinh tế trên diện tích đất. Cây ổi khoảng 8 - 10 tháng có trái, các cây còn lại trên 3 năm bắt đầu cho thu hoạch. Hầu như trong vườn tôi đều có quả thu quanh năm, không phụ thuộc vào cây cà phê như trước”, anh Tâm cho hay.
Cạnh vườn anh Tâm, anh Nguyễn Văn Phúc cũng có vườn cây đa canh trĩu quả được trồng theo hướng hữu cơ. Anh Phúc cho biết, gia đình có 2 ha cà phê nhưng do thu nhập bấp bênh nên quyết định chuyển hướng trồng xen cây cam, quýt… vào 1 ha cà phê còn cho năng suất ổn định; 1 ha cà phê còn lại do quá già cỗi nên anh nhổ đi để trồng bưởi da xanh.
Lúc cây bưởi còn nhỏ, anh Phúc trồng cây ngắn ngày như: đậu, bắp… kiếm thêm thu nhập. Đến nay, vườn bưởi nhà anh đã vươn cao tỏa bóng, bắt đầu cho thu bói. Chọn hướng canh tác hữu cơ nên anh Phúc khá bận rộn với công việc chăm sóc vườn cây. “Vì cứ thuận theo tự nhiên nên cỏ dại, côn trùng xuất hiện rất nhiều, nhất là bọ cánh cứng. Côn trùng này hay ăn trụi lá non, rất khó diệt nên cứ 5 - 6 giờ chiều, tôi lại soi đèn vạch lá bắt từng con. Dù đã bọc túi ni lông cho từng quả bưởi, nhưng ruồi vàng vẫn tấn công, tôi phải túc trực ngoài vườn để treo thuốc diệt.
Việc cắt cỏ, tỉa cành cũng phải chọn đúng thời điểm, tránh lúc trời nắng quá hoặc thời điểm có mưa”, anh Phúc chia sẻ. Anh chủ yếu kết hợp phân hữu cơ ủ hoai mục, phân cá, phân trùn quế, bánh dầu để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Nhờ vậy, các loại quả trong vườn có vị ngọt tự nhiên, mọng nước dù vỏ bên ngoài không bóng mượt. Quả bảo quản được lâu nên thương lái và người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Vườn bưởi da xanh nhà anh Phúc được chăm sóc theo hướng hữu cơ. |
Điều những người như anh Tâm, anh Phúc trăn trở nhất hiện nay là đầu ra cho các sản phẩm trái cây trồng theo hướng hữu cơ. Bởi ngoài kỳ công chăm sóc, trồng cây theo hướng hữu cơ tốn chi phí gấp đôi so với dùng phân hóa học nên giá thành sản phẩm phải cao hơn so với các loại quả trồng theo cách thông thường. Tuy nhiên, để chứng minh sản phẩm đạt chất lượng hữu cơ cần nhiều công đoạn khác nhau nên nông dân mong muốn chính quyền hướng dẫn thủ tục cũng như tạo điều kiện xúc tiến giới thiệu sản phẩm, tìm đầu ra ổn định, tránh bị tư thương ép giá.
Thanh Thủy
Ý kiến bạn đọc