Multimedia Đọc Báo in

Khi cây trái đặc sản làm du lịch

06:17, 22/11/2020

Những vườn cà phê, sầu riêng, mắc ca, bơ và rau quả sạch trên địa bàn Đắk Lắk là sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt có sức thu hút du khách trong nước và quốc tế tìm đến trải nghiệm, khám phá. Nắm bắt nhu cầu và xu thế ấy, từ năm 2007 đã có không ít doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh xúc tiến kết nối với nhiều hộ dân, đơn vị sản xuất các loại cây trồng đặc sản này để phục vụ hoạt động du lịch.

Gia tăng chuỗi giá trị cho cây trái

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, từ khi Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 1 - năm 2007 được tổ chức thì ý tưởng gắn kết du lịch với các loại cây trồng đặc sản ở đây cũng được hình thành rõ nét. Việc thông qua hoạt động du lịch để gia tăng chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp là yêu cầu đặt ra trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk. Yêu cầu và mục tiêu ấy được các doanh nghiệp làm du lịch hưởng ứng và triển khai tích cực trong thời gian qua. 

Công ty Đầu tư Thương mại - Du lịch Đam San là một trong những đơn vị tiên phong trong việc tổ chức các tour - tuyến du lịch trên và nhanh chóng thu hút sự chú ý của du khách khi đến Đắk Lắk. Ông Lê Hoàng Cơ, Tổng Giám đốc công ty chia sẻ: giai đoạn 2008 - 2015, sản phẩm du lịch trải nghiệm với cà phê được du khách tìm đến ngày càng nhiều. Một số vùng cà phê trọng điểm như Nông trường Thắng Lợi (huyện Krông Pắc), Cư Suê (Cư M’gar), Việt Đức (Cư Kuin)… là những địa chỉ mà công ty liên kết để đưa du khách đến tham quan. Ở đó, hầu hết du khách tỏ ra hài lòng vì sự mới mẻ và khác biệt từ sản phẩm du lịch này mang lại. Chỉ cần một ngày trải nghiệm, mọi người được sống và cảm nhận trọn vẹn đời sống của người trồng cà phê  - từ bón phân, làm cỏ, tỉa cành… đến thu hái, chế biến và thưởng thức hương vị đặc sản ấy.

Một số đơn vị làm du lịch, hãng lữ hành ở Đắk Lắk như Công ty Cổ phần du lịch Đắk Lắk, Công ty Cổ phần du lịch văn hóa - cộng đồng Ko Tam, Công ty TNHH Du lịch khám phá Tây Nguyên, Đặng Lê, Cao Nguyên, Ngày Mới... cũng tham gia kích cầu, mở rộng tour - tuyến du lịch này đến với đông đảo mọi người. Những doanh nghiệp này cho đây là hướng đi mới, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch ở địa phương, và hơn thế là tạo công ăn, việc làm cho hàng trăm nông hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển, thúc đẩy chuỗi giá trị gia tăng kinh tế cho ngành hàng chiến lược này.

Mô hình trồng cà chua công nghệ cao tại xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) của Công ty TNHH Ban Mê green Farm là điểm đến hấp dẫn du khách.  Ảnh: T.Thanh
Mô hình trồng cà chua công nghệ cao tại xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) của Công ty TNHH Ban Mê green Farm là điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: T.Thanh

Anh Đặng Văn Huy - chủ trang trại cà phê sạch ở xã Cư Suê, huyện Cư M’gar cho biết: Nhờ liên kết với các đơn vị làm du lịch trên mà thương hiệu Cà phê Nam Ka của anh được nhiều người biết đến còn hơn cả một chiến dịch truyền thông, quảng cáo rầm rộ. Dưới góc độ kinh tế, việc kết hợp sản xuất cà phê với hoạt động du lịch đã thật sự mở ra triển vọng tốt đẹp cho người nông dân, nhất là khi giá cà phê rơi vào tình cảnh bấp bênh, sụt giảm. Theo anh Huy, nguồn thu từ du lịch mang lại cũng góp phần giải quyết những khó khăn trước mắt cho nhiều nông hộ làm cà phê cũng như các loại cây trồng đặc sản khác. Về lâu dài, đây là sản phẩm du lịch bền vững, hiệu quả không thua kém gì các tour  - tuyến du lịch làng nghề ở các tỉnh, thành vùng đồng bằng Bắc Bộ hay đặc sản cây trái miệt vườn Nam Bộ. 

 
“Thực tế cho thấy loại hình du lịch canh nông ở Đắk Lắk vẫn chưa đi vào quỹ đạo trên, vẫn xảy ra tình trạng tự phát, mạnh ai nấy làm khiến tiềm năng, thế mạnh ấy chưa được khai thác, phát huy đúng mức. Ví như cây cà phê chẳng hạn, bên cạnh những nguyên nhân như giá cà phê sụt giảm, vườn cây già cỗi cho năng suất thấp đã khiến nhiều nông hộ chặt bỏ, hoặc không muốn đầu tư bài bản và thật sự có chiều sâu cho loại cây trồng này, khiến đời sống có tính chất làng nghề để tham gia làm du lịch bị loãng ra, mất đi nét đặc trưng vốn có”
 
Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần du lịch văn hóa - cộng đồng Kô Tam.

Cùng suy nghĩ này, chị Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Ban Mê green Farm đã nhanh nhạy biến những cơ sở sản xuất rau quả của mình tại các xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn), Hòa Thuận, Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) trở thành điểm đến cho du khách tham quan, trải nghiệm và mua sắm khi đến Đắk Lắk. Chỉ 20.000 đồng/lượt người khi đến tham quan và thưởng thức sản phẩm cà chua trái được sản xuất theo quy trình công nghệ cao, mỗi tháng công ty này cũng thu về hàng chục triệu đồng từ hoạt động du lịch canh nông đang được du khách lựa chọn hiện nay. Hơn thế, theo chị Thanh - thông qua mô hình “du lịch xanh” này, nhiều hộ dân liên kết sản xuất rau quả hữu cơ với Ban Mê green Farm có điều kiện, cơ hội gia tăng chuỗi giá trị kinh tế cho mỗi sản phẩm của mình.

Hướng tới sự bền vững

Tạo dựng được vị thế, cũng như sự bền vững cho loại hình du lịch canh nông trên địa bàn Đắk Lắk là mong mỏi của cộng đồng làm du lịch hiện nay. Nhiều người cho rằng, yếu tố bền vững ở đây không chỉ là câu chuyện chất lượng, vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, mà còn phải tạo ra được nét khác biệt cho cư dân trồng cây trái đặc sản trên vùng đất này; để khi du khách đến đó, bất cứ ai cũng nhận ra đời sống sinh hoạt, sản xuất và hưởng thụ của người dân có những đặc tính khác biệt, không giống như những vùng miền khác. Chính sự khác biệt ấy là nền tảng quan trọng để hướng tới xác lập giá trị văn hóa, phục vụ mục tiêu phát triển du lịch của địa phương.

Tour tham quan, trải nghiệm vườn cà phê tại xã Cư Suê (huyện Cư M'gar) do Công ty Đầu tư Thương mại - Du lịch Đam San tổ chức.
Tour tham quan, trải nghiệm vườn cà phê tại xã Cư Suê (huyện Cư M'gar) do Công ty Đầu tư Thương mại - Du lịch Đam San tổ chức.

Theo ông Võ Văn Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, vấn đề quan trọng nhất và trước hết là phải xây dựng cho được mối hợp tác, liên kết bền chặt và có trách nhiệm giữa các bên: Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân trong mục tiêu phát triển du lịch ngắn hạn cũng như dài hạn, phù hợp với điều kiện thực tế từng nơi. Mối quan hệ này phải được nhìn nhận, vận hành xuyên suốt trong hành lang pháp lý đủ mạnh và hữu hiệu về đầu tư, kích cầu lẫn tìm kiếm, phát triển thị trường và phân bổ lợi nhuận từ ngành “công nghiệp không khói” này. Thứ đến là các bên liên quan, nhất là Nhà nước - doanh nghiệp phải tìm cách ổn định đời sống sản xuất cho người nông dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào (ví như đầu ra bế tắc, giá cả xuống thấp), nhằm tăng cường sức mạnh cho mỗi gia đình, cộng đồng dân cư vốn gắn bó với các loại cây trồng đặc sản mà họ đã chọn. Bởi nói cho cùng, một khi đời sống ổn định thì các nông hộ mới có điều kiện hợp tác, liên kết với doanh nghiệp để làm du lịch, nếu không thì mọi chuyện trở nên hết sức khó khăn - và nỗ lực hướng đến sự bền vững cho loại hình du lịch trên sẽ khó lòng thực hiện được.

Phương Đình

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.