Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp từ mô hình nuôi dê nhốt chuồng

08:55, 11/11/2020

Nhiều năm trồng và chăm sóc 5 sào cà phê nhưng hiệu quả kinh tế không cao, đôi lúc anh Niê Nhật Quốc (dân tộc Êđê, ở buôn Yôk, xã Ea H’đing, huyện Cư M'gar) cảm thấy nản.

Thế nhưng khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương thôi thúc anh tìm tòi, học hỏi các mô hình làm kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương và gia đình. Trăn trở, tìm hiểu, tính toán, cuối cùng anh Quốc quyết định phát triển kinh tế bằng cách nuôi dê nhốt chuồng.

Nghĩ là làm, anh tìm đến những hộ nuôi dê thành công học hỏi kỹ thuật xây dựng chuồng trại, cách chăm sóc, phòng tránh các bệnh thường gặp ở loài vật nuôi này. Khi đã sẵn sàng, tháng 6-2019, anh bắt tay hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp với mô hình nuôi dê nhốt chuồng. Anh Quốc cho hay, nuôi dê nhốt chuồng khá nhàn nên anh vẫn có thời gian đi làm rẫy. Hơn nữa dê sinh sản nhanh, khả năng thu hồi vốn chỉ trong thời gian ngắn. 

Ban đầu, anh Quốc đầu tư gần 60 triệu đồng mua 20 con dê sinh sản giống Bách Thảo và Boer lai. Vừa nuôi, anh vừa tìm tòi, học tập thêm kinh nghiệm từ bạn bè, sách báo, mạng Internet, nhờ đó đàn dê của gia đình phát triển tốt. Thấy chăn nuôi dê khá thuận lợi, tháng 9-2019, anh Quốc vay mượn tiền mua thêm 100 con dê thịt, với trọng lượng hơn 10 kg/con về nuôi vỗ béo. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, đàn dê thịt tăng từ 25 - 30 kg/con; anh Quốc xuất chuồng lứa dê đầu tiên, thu về gần 300 triệu đồng, giúp anh trang trải nợ nần, đầu tư con giống, tiếp tục theo đuổi ước mơ làm giàu.

Anh Niê Nhật Quốc chăm sóc đàn dê của gia đình mình.
Anh Niê Nhật Quốc chăm sóc đàn dê của gia đình mình.

Với đàn dê giống, sinh sản đến đâu anh Quốc để nuôi đến đấy. Nhờ có kỹ thuật chăm sóc tốt, đàn dê không ngừng tăng số lượng qua mỗi đợt sinh sản. Thông thường, mỗi lần dê mẹ đẻ từ 1 - 3 con, mỗi năm đẻ hai lứa. Hiện đàn dê đã lên đến 80 con. Dê giống nuôi khoảng ba tháng tuổi, cân nặng 25 kg là xuất chuồng, với giá bán 115.000 - 135.000 đồng/kg, gia đình anh Quốc có trong tay hơn 200 triệu đồng. Theo anh Quốc, để nuôi dê hiệu quả, chuồng nuôi phải được thiết kế bằng ván gỗ, cao ráo, cách 1 mét so với mặt đất và làm theo kiểu chuồng sàn chia ngăn. Các thanh gỗ lát sàn có khe hở để bảo đảm phân và nước thải lọt xuống. Đối với dê sinh sản, phải bám sát chu kỳ và lập sổ ghi chép kỹ lưỡng quá trình phối giống cũng như sinh sản của đàn dê. Lợi thế lớn nhất khi nuôi dê là tận dụng được thức ăn có sẵn trong vườn, vì dê là loài ăn tạp; trong đó thức ăn ưa thích nhất là cây keo, chuối.

Ngoài chăn nuôi dê, anh Quốc còn kết hợp nuôi gà, trồng cây ăn trái và cải tạo vườn cà phê. Việc nuôi dê giúp anh tận dụng được nguồn phân bón để cho vườn cây. Nuôi dê nhốt chuồng khá hiệu quả, anh Quốc dự tính tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi trong thời gian tới.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.