Multimedia Đọc Báo in

Làng rau xanh Hiệp Thành

16:16, 07/11/2020

Những năm gần đây, nghề trồng rau xanh phát triển khá mạnh ở thôn Hiệp Thành, xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar), biến nơi đây trở thành làng rau xanh chuyên canh của địa phương. Nhờ rau xanh, nhiều hộ dân không chỉ có thu nhập ổn định mà còn trở thành hộ có kinh tế khá giả.

Gia đình ông Hoàng Trương Phong là một trong những hộ dân phát triển rau xanh theo hướng chuyên canh khá lớn ở thôn Hiệp Thành. Từ vài chục mét vuông ban đầu, đến nay ông đã mở rộng quy mô vườn rau lên hơn 4.000 m2, với đa dạng các loại rau như: cải, dưa leo, đậu cô ve, bắp sú, rau thơm… Các loại rau được canh tác hợp lý, tùy theo nhu cầu của thị trường mà đưa vào trồng nhiều hay ít, đồng thời các loại rau được ông luân phiên trồng tại các thửa đất nhằm cải tạo, tăng độ tơi xốp cho đất, cũng như hạn chế các loại cỏ dại và dịch hại gây bệnh…

Hiện nay, bình quân mỗi năm ông Phong xuất bán ra thị trường hàng chục tấn rau xanh các loại, giá cả tùy thuộc vào sự biến động của thị trường đối với từng loại sản phẩm song sau khi trừ hết chi phí đầu tư, chăm sóc mỗi năm cũng mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng.

Ông Hoàng Trương Phong kiểm tra vườn rau.   Ảnh: T.Dũng
Ông Hoàng Trương Phong kiểm tra vườn rau. 

Trồng rau xanh đã hình thành ở thôn Hiệp Thành từ nhiều năm trước nhưng những năm gần đây mới phát triển mạnh, đặc biệt là từ năm 2006 khi thôn được Nhà nước đầu tư xây dựng lưới điện. Nếu như trước đây bà con chỉ trồng rau với diện tích nhỏ lẻ, chủ yếu để cung cấp cho gia đình thì nay nhiều hộ đã chọn trồng rau là nghề thu nhập chính, từ đó mạnh dạn phát triển theo hướng chuyên canh để cung ứng cho thị trường.

Hiện nay, toàn thôn Hiệp Thành có khoảng 20 ha rau xanh, trở thành vùng trồng rau xanh chuyên canh lớn nhất ở địa phương. Đặc biệt, nhiều hộ dân có diện tích trồng rau xanh lên đến vài héc-ta. Ông Quách Đình Ngân, Bí thư Chi bộ thôn Hiệp Thành cho biết: “Toàn thôn hiện có hơn 40 gia đình trồng rau xanh, hộ trồng ít thì vài trăm mét vuông, 1 - 3 sào, hộ trồng nhiều thì lên đến 1 - 2 ha… Thôn đã thành lập được một tổ hợp tác trồng rau củ quả với 13 thành viên tham gia. Nhìn chung, các hộ trồng rau xanh địa phương đã chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt… nên năng suất, sản lượng cây rau ngày càng được nâng lên, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Đến nay, toàn thôn chỉ còn 15 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 5,79%), số hộ có kinh tế khá, giàu ngày càng nhiều...”.

Trung Dũng

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.