Multimedia Đọc Báo in

Nông dân xứ vải vào Ea Kar trồng vải

08:28, 04/11/2020

Anh Lê Văn Lập quê ở huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), vùng đất nổi tiếng với đặc sản vải thiều.

Năm 2011, tình cờ đến huyện Ea Kar đúng mùa thu hoạch vải, anh thấy chất lượng quả vải ở đây không khác nhiều so với vải trồng ở Thanh Hà, lại chín sớm trước từ 1 - 1,5 tháng. Xem xét chất đất ở Ea Kar rất phù hợp với cây vải, anh Lập bàn với gia đình chuyển đến thôn 9, xã Ea Sar (huyện Ea Kar) lập nghiệp vào năm 2012; mua hai mảnh đất trồng vải với diện tích 14 ha.

Bước đầu nơi quê hương mới, gia đình anh Lập cũng gặp rất nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật, phương tiện sản xuất. Anh vừa trồng cây ngắn ngày vừa trồng vải, mỗi năm trồng 5 ha vải, kết hợp lấy ngắn nuôi dài. Các năm 2016, 2017, gia đình anh được Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh thị trấn Ea Knốp cho vay 1 tỷ đồng để đầu tư mua máy móc phục vụ sản xuất và anh tiến hành trồng vải trên diện tích đất còn lại.

Cán bộ, hội viên nông dân tham quan vườn vải của gia đình anh Lập.   Ảnh: T.Thanh
Cán bộ, hội viên nông dân tham quan vườn vải của gia đình anh Lập. 

Đến nay, gia đình anh Lập đã có 10 ha vải giống U trứng và U hồng, 2 ha bơ giống 034 và 2 ha ao thả cá, lấy nước tưới cho vườn cây. Nhờ nắm rõ đặc tính của cây vải ở Thanh Hà, chịu khó học hỏi kinh nghiệm canh tác của một số gia đình làm ăn có hiệu quả, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nên vườn vải của gia đình luôn đạt năng suất 17 tấn/ha. Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, gia đình anh Lập đã đăng ký mở đại lý phân phối quả vải tại chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh và hợp đồng thu mua vải với hội viên, nông dân. Mỗi năm gia đình anh xuất bán tại chợ đầu mối 500 tấn quả vải, thu nhập từ 2,5 - 3 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí.

Anh Lập chia sẻ, để vườn cây phát triển tốt, ít bị sâu bệnh hại, chất lượng quả thơm, ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gia đình anh chủ yếu bón phân hữu cơ (chỉ sử dụng phân hóa học khi thật cần thiết để điều chỉnh cho cây phát triển), sử dụng thuốc sinh học để trừ sâu bệnh hại. Hiện nay toàn bộ vườn vải, bơ của nhà anh đều lắp đặt hệ thống tưới phun sương theo công nghệ mới, vừa tiết kiệm nước vừa tiết kiệm được công lao động, đảm bảo cây phát triển tốt không bị xói mòn, rửa trôi. Không chỉ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho nhiều hội viên, nông dân, gia đình anh Lập còn tạo việc làm cho 15 lao động mùa vụ với tiền công khoảng 6 triệu đồng/người/tháng; tích cực đóng góp cho các hoạt động xã hội, từ thiện ở địa phương.

Tề Thị Thanh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.