Multimedia Đọc Báo in

Nữ doanh nhân trẻ đồng hành với nông dân

19:55, 21/11/2020

Chị Nguyễn Thị Xuân Hương, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột) không chỉ được biết đến là nữ doanh nhân thành đạt tiêu biểu, mà còn là người hết lòng vì cộng đồng, vì nông dân.

Từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn với ước mơ làm cô giáo, nhưng chị lại chọn nông nghiệp là lĩnh vực khởi nghiệp với tâm niệm giúp người nông dân thoát nghèo và làm giàu được từ nông nghiệp.

Với ý tưởng mở một chuỗi cửa hàng tiêu thụ nông sản, năm 2018 chị Hương cùng tác giả Trần Thế Châu tham gia Cuộc thi “Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh” tỉnh Đắk Lắk với Dự án “Liên kết chuỗi hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và chuỗi hệ thống đầu ra trên địa bàn tỉnh” và đoạt giải Nhì. Ban đầu, chị mở cơ sở thu mua và chế biến nông sản của người dân trong vùng, đồng thời ký hợp đồng với các nhà máy sản xuất.

Những năm đầu chị khởi nghiệp vô cùng khó khăn bởi vừa thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, chưa biết áp dụng kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm sau khi chế biến.

Chị Hương kiểm tra mặt hàng nông sản do công ty thu mua.
Chị Hương kiểm tra mặt hàng nông sản do công ty thu mua.

Khởi nghiệp với số vốn 300 triệu đồng, từ một cơ sở thu mua và chế biến nông sản đến nay chị Hương đã thành lập được một công ty lớn. Ngoài thu mua chế biến nông sản, doanh nghiệp của chị còn thực hiện mô hình liên kết chuỗi với các hợp tác xã ở các huyện Krông Năng, Ea Kar, Krông Ana… Hiện nay, với mô hình liên kết, công ty của chị tiêu thụ hơn 10 loại trái cây trên địa bàn tỉnh với sản lượng 10 tấn/ngày. Các sản phẩm của công ty được tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị lớn như: Bách hóa xanh, Big C, Vinmart+, Circle K và các nhà phân phối. Công ty của chị tạo việc làm cho 60 lao động với mức lương trung bình từ 8 - 15 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu hằng năm của công ty đạt 70 - 80 tỷ đồng. Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, công ty đã thiết kế cải tiến mẫu mã bao bì hợp lý, bắt mắt, đăng ký công bố sản phẩm, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, đồng thời tăng cường quảng bá tham gia các hội chợ, xúc tiến thương mại. Với khát vọng quảng bá sản phẩm của nông dân Tây Nguyên đi xa, công ty của chị mới đây đã phối hợp với Siêu thị MM Mega Maket thực hiện tuần hàng OCOP (mỗi xã một sản phẩm)  và đặc sản Đắk Lắk với trên 10 loại trái cây đặc trưng của tỉnh nhà.

Theo quan điểm của chị Hương, sự liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp như một cuộc “kết hôn” cần sự chăm sóc và ràng buộc từ hai phía. Chị chia sẻ: “Bất cứ khi nào người dân cần hỗ trợ về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi thì trong vòng 24 giờ, nhân viên của công ty sẽ có mặt để hỗ trợ. Đồng thời, giám sát quá trình thực hiện, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và người dân”.

Không chỉ tập trung vào kinh doanh, chị Hương còn rất tâm huyết với công tác xã hội, từ thiện. Tháng 2-2020, công ty chị tham gia “giải cứu” dưa hấu, chị Hương đã liên hệ trực tiếp với Hội Nông dân các huyện: Ea Súp, Krông Ana, Krông Bông, Cư Kuin… thu mua dưa hấu tận vườn với giá cao; đồng thời kết nối với các cửa hàng thực phẩm, siêu thị tại TP. Buôn Ma Thuột để tiêu thụ. Từ ngày 7 đến ngày 9-2-2020, chị đã cung cấp cho siêu thị Vinmart Buôn Ma Thuột, siêu thị Thành Phát 1, Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột và phân phối đi các tỉnh, thành khoảng 100 tấn dưa hấu. Hay như vào tháng 4-2020, Công ty Cổ phần sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên đã tham gia phối hợp đưa “ATM gạo” về phát cho 500 người nghèo tại hai xã Ea H’đing và Ea Tar (huyện Cư M’gar). Gần đây nhất, công ty chị đã tham gia quyên góp các nhu yếu phẩm ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do lũ lụt.

Chị  Nguyễn Thị Xuân Hương (bên trái) giới thiệu mặt hàng nông sản của công ty.
Chị Nguyễn Thị Xuân Hương (bên trái) giới thiệu mặt hàng nông sản của công ty.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, chị Hương sẽ xây dựng kế hoạch cải tiến khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, mở thêm cơ sở thu mua, sơ chế và phân phối sản phẩm phục vụ sản xuất, chăn nuôi đến tận xã nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển cho nông dân. Đồng thời, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương thông qua việc quản lý các cơ sở này.

Đoàn Dũng

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.