Sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp: Nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ
Công tác sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên quá trình thực hiện chủ trương này vẫn chậm và đối mặt nhiều vấn đề nan giải.
Theo Công văn số 1832/TTg-ĐMDN, ngày 15-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Đắk Lắk có 25 công ty nông, lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp, đổi mới (giữ nguyên mô hình, cổ phần hóa, chuyển đổi thành Công ty TNHH hai thành viên và giải thể).
Trong số đó, hiện đã cổ phần hóa xong 4 doanh nghiệp nhà nước gồm: Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An, Cao su Đắk Lắk, Cà phê Ea Pốk và Cà phê Thắng Lợi; 2 đơn vị chưa hoàn thành là Công ty TNHH MTV Cà phê - Ca cao Tháng 10 và Công ty Sản xuất kinh doanh tổng hợp Krông Ana. 8 công ty TNHH MTV đã được chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên, gồm: Công ty Cà phê Cư Pul và 7 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp: Phước An, Chư Ma Lanh, Rừng Xanh, Ya lốp, Ea Mơ, Ea H’leo và Buôn Ja Wầm; 1 doanh nghiệp chưa chuyển đổi xong là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thuần Mẫn. 6 công ty lâm nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu: Công ty lâm nghiệp Ea Wy, M’Drắk, Krông Bông, Ea Kar, Chư Phả và Buôn Wing. Đối với việc giải thể 3 Công ty TNHH MTV: Cà phê Buôn Ma Thuột, Dray H’Linh và Cà phê - Ca cao Krông Ana, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án và thực hiện các thủ tục liên quan, dự kiến trong năm nay, sẽ hoàn thành chuyển đổi thành Ban Quản lý rừng đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk.
Chế biến cà phê ướt tại Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk. |
Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc chuyển đổi các Công ty TNHH MTV thành công ty cổ phần là chủ trương đúng đắn, tạo ra nguồn lực từ các cổ đông là các nhà đầu tư để khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, lao động. Các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần đã có những bước chuyển biến tích cực trong công tác quản trị, việc quản lý vốn, tài sản, công nợ chặt chẽ hơn; bộ máy được sắp xếp lại, tinh giản theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, tiết kiệm chi phí… Tuy nhiên, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sau sắp xếp, đổi mới chưa có nhiều thay đổi, lợi nhuận thấp, thậm chí có doanh nghiệp thua lỗ. Đối với các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH hai thành viên, chưa có nhiều đổi mới trong công tác quản trị doanh nghiệp, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ công ích về quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên từ nguồn ngân sách hỗ trợ.
Trên địa bàn tỉnh có 6 công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước được giữ nguyên mô hình, nhưng nguồn kinh phí hỗ trợ không đáp ứng được nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, doanh nghiệp không có vốn để hoạt động sản xuất, kinh doanh, dẫn đến tình trạng xâm chiếm, phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép vẫn xảy ra, làm suy giảm diện tích, trữ lượng, chất lượng rừng.
|
Quá trình sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp và hoạt động của các doanh nghiệp sau khi chuyển đổi trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, đối với các công ty đã cổ phần hóa như: Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk, tình hình tài chính của doanh nghiệp đang gặp khó khăn về khả năng thanh khoản các khoản nợ ngân hàng, nhu cầu vốn đầu tư tái canh cao su… Còn tại Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi, các hộ nhận khoán, liên kết không chấp hành nộp sản lượng khoán, gây khó khăn cho điều hành sản xuất, kinh doanh của đơn vị và an ninh trật tự trên địa bàn.
Đối với các công ty chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên, theo chỉ đạo của Trung ương là không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, không chuyển đổi cải tạo rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp và dừng biện pháp cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt. Do đó, tỉnh phải dừng việc triển khai các dự án cải tạo rừng nghèo, nghèo kiệt kém hiệu quả kinh tế sang trồng cây cao su và một số loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến các công ty lâm nghiệp, vì các đơn vị không thể xây dựng phương án sản xuất kinh doanh như mục tiêu, kế hoạch ban đầu và không thể đầu tư vào những vùng đất đan xen rừng nghèo, nghèo kiệt để chuyển sang các hoạt động sản xuất kinh doanh khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Vườn cà phê tái canh của một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. |
Về công tác giải thể 3 công ty cà phê, tiến độ thực hiện chậm và khó thực hiện vì vướng nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Theo Ban Đổi mới doanh nghiệp và Phát triển doanh nghiệp tỉnh, nguyên nhân tình trạng này là công tác thu hồi công nợ khó khăn do các đối tượng nợ gặp khó khăn về kinh tế; phương án sử dụng đất sau thu hồi của các huyện, thành phố chậm được triển khai do khó khăn về kinh phí cắm mốc lộ giới, lập bản đồ địa chính đối với diện tích đất giao cho các hộ nhận khoán, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Với những khó khăn, vướng mắc trên, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ sớm bổ sung, hoàn thiện, ban hành các cơ chế chính sách về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, Trung ương cũng cần xem xét, cho chủ trương giải quyết các khó khăn vướng mắc của tỉnh về việc giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, dân di cư tự do; đồng thời có cơ chế tài chính cụ thể với doanh nghiệp thực hiện quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên dưới hình thức giao kế hoạch hoặc đặt hàng.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc