Multimedia Đọc Báo in

Trồng quýt đường, cam sành cho thu nhập khá

08:49, 09/11/2020

Trước đây, trên diện tích đất canh tác của gia đình, ông Nông Văn Luyện (ở thôn 5, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) chủ yếu trồng ngô, đậu… nhưng hiệu quả đem lại thấp.

Sau khi tham quan và tìm hiểu một số mô hình trồng cây ăn quả ở tỉnh Bình Phước, thấy nhiều vườn cam, quýt sai quả và giá bán cao, năm 2013 ông Luyện đã mạnh dạn trồng gần chục cây quýt đường và cam sành trong vườn nhà. Ông cũng là một trong những hộ dân đầu tiên ở địa phương trồng các loại cây ăn quả này.

Nhờ chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu đặc tính của các loại cây, kỹ thuật chăm sóc nên chỉ sau hơn một năm trồng, quýt đường và cam sành của gia đình ông Luyện đã bắt đầu cho quả. Tuy nhiên, để cho cây tập trung chất dinh dưỡng phát triển, gia đình ông đã hái bỏ lứa trái này, tiếp tục đầu tư, chăm sóc. Sang năm thứ hai, khi cây cam, quýt đã trưởng thành, đủ điều kiện để cho trái mà vẫn giữ được cây khỏe mạnh, ông Luyện mới để cây cho hoa kết trái.

Vườn quýt đường của ông Nông Văn Luyện.    Ảnh: T.Dũng
Vườn quýt đường của ông Nông Văn Luyện.

Năm 2017 ông Luyện quyết định trồng thêm hàng trăm cây quýt đường và cam sành. Hiện nay, tổng diện tích quýt đường, cam sành của gia đình ông là 3,5 sào, với gần 430 cây, trong đó có 280 cây đã cho thu hoạch; bình quân mỗi cây quýt đường cho thu hoạch 60 kg/năm và cam sành 30 kg/năm. Do trái to, màu sắc đẹp, ngon ngọt… nên cam, quýt của gia đình ông Luyện rất được thị trường ưa chuộng; thương lái tìm đến tận vườn thu mua, với giá dao động từ 12.000 – 13.000 đồng/kg, đặc biệt có thời điểm lên đến 15.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, chăm sóc đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập đáng kể. 

Hiện gia đình ông Luyện đang có kế hoạch mở rộng thêm quy mô trồng quýt đường và cam sành nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình… Ông Luyện chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi thu hoạch được 2,1 tấn cam, quýt, sau khi trừ hết các chi phí đầu tư thì lãi khoảng gần 15 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng hoa màu. Thường thì phải bước sang năm thứ tư, thứ năm thì cây cam, quýt mới bước vào thời kỳ kinh doanh ổn định, lúc đó năng suất của cây trồng sẽ còn cao hơn nữa. Nếu chăm sóc tốt cây quýt có thể cho năng suất đạt 120 kg/cây/năm và cam sành được 50 – 60 kg/cây/năm…”.

Theo ông Luyện, cây quýt đường và cây cam sành có đặc tính gần giống nhau, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, người trồng chỉ cần bón phân, tưới nước hợp lý, cũng như thường xuyên thăm vườn, phát hiện sâu hại để phòng trừ kịp thời thì cây sẽ sinh trưởng, phát triển tốt. Để chất lượng trái bảo đảm thì nên trồng thưa, cây hứng đủ ánh sáng, trái sẽ to, tuổi thọ cây kéo dài, nên để số lượng trái phù hợp với tuổi và sức khỏe của cây. Sau mỗi lần thu hoạch trái, phải bón phân, cắt cành tạo tán, loại bỏ những cành khô héo, sâu bệnh để dưỡng cho mùa sau…

Hiệu quả của mô hình trồng quýt đường kết hợp với cam sành của gia đình ông Nông Văn Luyện đã mở ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.