Điểm sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo
Krông là một trong bốn buôn đặc biệt khó khăn của xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana). Toàn buôn có 94 hộ với 425 khẩu gồm dân tộc Êđê và Tày cùng sinh sống.
Người dân trong buôn chủ yếu sản xuất nông nghiệp với cây trồng chính là lúa nước và ngô. Những năm trước đây, do trình độ canh tác còn lạc hậu nên hiệu quả kinh tế thấp đã ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của bà con.
Xác định phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là mục tiêu cơ bản để nâng cao đời sống của người dân, Ban tự quản buôn Krông đã chú trọng tuyên truyền, vận động bà con nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; triển khai các chương trình nông nghiệp tập trung cải tạo đồng ruộng, mở rộng diện tích, thâm canh tăng vụ, sử dụng giống mới vào trồng trọt… Qua đó, đã tạo điều kiện cho bà con mở rộng diện tích lúa nước của cả buôn lên gần 250 ha, đồng thời chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị cao hơn. Ngoài ra, bà con trong buôn còn tận dụng diện tích đồng cỏ rộng lớn để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; xây dựng và nhân rộng một số mô hình nuôi heo hướng nạc, nuôi bò giống lai sind, nuôi trâu thịt. Nhờ vậy, năng suất cây trồng không ngừng tăng lên, vật nuôi tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng; đời sống người dân ngày càng được cải thiện.
Kinh tế gia đình ông Tào Văn Cấp (buôn Krông) phát triển ổn định nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật. |
Điển hình như hộ ông Y Nghé Hđơk là một trong những hộ có kinh tế ổn định, với thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Gia đình ông có 3 ha đất nông nghiệp, trước đây chỉ trồng lúa và ngô một vụ, hiệu quả kinh tế thấp. Nhưng từ khi ông đưa một số giống lúa có chất lượng vượt trội như lúa thơm RVT, ST, Đài Thơm 8… vào gieo trồng thì năng suất lúa cao hơn hẳn, đạt từ 8 - 9 tạ/sào. Cùng với đó, ông chủ động chuyển đổi đất trồng một vụ sang trồng khoai lang Nhật Bản, dưa hấu và trồng thêm 2 sào cà phê để tăng thêm nguồn thu.
Thông qua các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng của buôn cũng được quan tâm đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa và phục vụ đời sống của người dân. Theo ông Y Ngông Hđruế, Trưởng buôn Krông, những năm trước, buôn không có điện, đường và kênh mương nên sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ lúa, ngô nên đời sống người dân rất khó khăn. Từ khi được Nhà nước đầu tư xây dựng làm đường, kéo điện và làm kênh mương thủy lợi giúp việc thâm canh tăng vụ được thuận tiện hơn; cuộc sống của người dân trở nên khấm khá, nhiều gia đình trở thành tiêu biểu trong phát triển kinh tế của xã. Nhiều hộ trong buôn đã có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, vật dụng sinh hoạt có giá trị.
Ông Tào Văn Cấp (bên trái) thăm ruộng lúa của gia đình. |
Đơn cử như hộ ông Tào Văn Cấp có 3 ha đất nông nghiệp, trong đó có 1,8 ha đất lúa còn lại là ngô. Từ khi có mương nước, điện, mỗi năm gia đình ông trồng được 2 vụ lúa và một vụ khoai lang xuất khẩu. Nhờ áp dụng giống mới, kỹ thuật mới nên lúa, khoai lang đạt năng suất cao, bán được giá giúp kinh tế gia đình ông dần ổn định. Tích lũy được vốn, ông lại đầu tư mua thêm bò, gà, vịt… Trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình cũng thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của buôn Krông giảm mạnh từ 28% xuống còn 7,45% (thấp hơn 0,65% so với tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn xã). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 20 triệu đồng/năm lên 35 triệu đồng/năm. |
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc