Multimedia Đọc Báo in

Diện mạo mới ở thôn văn hóa Cư Tê

06:35, 06/12/2020

Được tách ra từ thôn Ea Lang vào năm 2008, thôn Cư Tê (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) hiện có 213 hộ, 1.346 khẩu với đa số là người dân tộc Mông. Nhờ người dân cần cù, chịu khó, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, phát triển chăn nuôi, chăm lo đời sống văn hóa ở khu dân cư, thôn Cư Tê giờ đây đã có diện mạo mới.

Hiện nay đa số các hộ dân trong thôn Cư Tê đều đã có đất ở, đất sản xuất. Diện tích 570 ha đất canh tác đã được phủ kín với các loại cây trồng đa dạng. Ngoài hơn 30 ha lúa nước, 251 ha sắn, 77 ha cà phê, 40 ha điều…, gần đây hàng chục hộ dân trong thôn còn mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng không hiệu quả sang trồng cây ăn quả, dứa đồi, tận dụng đất dốc để trồng keo...

Hiện một số hộ trong thôn đã chuyển đổi trồng mới được 5 ha cây ăn quả, 6 ha dứa đồi, 132 ha keo lá tràm ở vùng đất dốc. Các hộ như: gia đình ông Lò Hạng Páo, Hùng Xuân Lèng, Giàng Seo Dế, Hùng Xuân Thành… mỗi hộ còn trồng xen từ 200 - 400 cây dó trầm trong vườn cây ăn quả, vườn dứa, vườn cà phê; nhiều nhất là gia đình ông Hùng Đức Thanh với 500 cây dó trầm trồng xen vườn cà phê. Ông Thanh cho biết: "Trồng dó trầm trong vườn cà phê với khoảng cách hợp lý sẽ là cây chắn gió, cây bóng mát giúp cà phê phát triển tốt mà không làm ảnh hưởng đến năng suất cà phê, lại tận dụng được phân bón".

Đường vào thôn văn hóa Cư Tê, xã Cư Pui.
Đường vào thôn văn hóa Cư Tê, xã Cư Pui.

Trong thôn cũng có nhiều hộ dân chuyển từ chăn nuôi thả rông sang nuôi nhốt chuồng, mang lại thu nhập ổn định. Hiện thôn có 127 con trâu, 22 con bò, 28 con dê và gần 300 con heo. Mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng đa cây, đa con phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng đã mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm cho nhiều hộ dân. Như gia đình anh Giàng Văn Páo có hơn 3 ha đất canh tác, trước đây chỉ độc canh cây ngô lai và nuôi trâu thả nên lợi nhuận đem lại không cao. Mấy năm gần đây, vợ chồng anh Páo đã cải tạo đất và trồng các loại cây phù hợp với địa hình, như: 3 sào đất thấp để làm ruộng nước hai vụ, gần 7 sào đất triền suối trồng cà phê, gần 1 ha đất dốc trồng sắn, gần 5 sào đất cao trồng keo, 5 sào trồng sắn, 3 sào đất trồng cỏ nuôi trâu nhốt chuồng và tận dụng phân trâu để bón cà phê, cải tạo đất. Ngoài ra, gia đình anh Páo còn nuôi heo, hàng chục con gà, vịt mỗi năm cho thu nhập gần 50 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí.

Gia đình anh Giàng Văn Páo chuyển từ chăn thả sang trồng cỏ nuôi trâu nhốt chuồng.
Gia đình anh Giàng Văn Páo chuyển từ chăn thả sang trồng cỏ nuôi trâu nhốt chuồng.

Không chỉ cuộc sống của người dân được cải thiện, kết cấu hạ tầng nông thôn ở Cư Tê cũng phát triển đầy đủ. Điện, đường giao thông, trường học đã được đầu tư xây dựng. Trục đường chính từ đầu thôn đến cuối thôn và các trục đường nội vùng đã được bê tông hóa; 100% hộ được dùng điện lưới quốc gia. Nhiều lớp học, nhà dân được xây dựng chắc chắn, khang trang. Trong thôn đã có nhiều hàng quán bày bán đa dạng hàng hóa, đồ dùng, vật dụng, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ người dân.

Chi bộ thôn Cư Tê cũng là điểm sáng trong việc phát triển đảng viên mới là người dân tộc Mông ở xã Cư Pui những năm gần đây. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm Chi bộ đều bồi dưỡng kết nạp thêm 1 đảng viên mới. Hiện Chi bộ đã có 5 đảng viên là người dân tộc Mông. Ông Hùng Xuân Thành, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cư Tê chia sẻ: “Thôn Cư Tê có dân số đông, người dân sống rất tình cảm, đoàn kết, gắn bó và thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ nhau. Người Mông vốn chịu thương, chịu khó. Khi vào Tây Nguyên định cư thấy đất đai rộng, màu mỡ ai cũng thi đua trồng trọt, chăn nuôi nên cuộc sống bây giờ đã ổn định. Trong những năm qua, cùng với Nhà nước, bà con trong thôn đã tự nguyện hiến hàng chục nghìn mét vuông đất, phá bỏ nhiều cây cối, đóng góp công sức để làm đường bê tông, xây dựng trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhờ vậy, diện mạo thôn ngày càng khang trang, khởi sắc”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.