Multimedia Đọc Báo in

Đồng hành với phụ nữ dân tộc thiểu số

06:21, 08/12/2020

Vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ được Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh chú trọng triển khai thực hiện.

Những năm trước đây, điều kiện kinh tế của gia đình chị H’Luên (buôn Kli A, phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ) rất khó khăn. Gia đình 5 người chỉ trông chờ vào nguồn thu từ hơn 3 sào đất trồng hoa màu. Cuối năm 2012, chị H’Luên được Hội LHPN phường giúp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Với 30 triệu đồng vay được, chị đầu tư làm chuồng trại và mua 5 con heo về nuôi. Sau một thời gian chăn nuôi, có thêm nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chăm sóc, chị quyết định mở rộng diện tích chuồng trại và chuyển sang nuôi heo nái để cung cấp heo con cho các hộ dân trong vùng. Trung bình mỗi năm, chị bán được hơn 300 heo con. Có nguồn thu nhập ổn định, chị đã mua thêm 1,5 ha đất để trồng cà phê, xen sầu riêng, bơ. Ngoài ra, chị còn xây thêm trang trại nuôi hơn 250 con gà, vịt. Mỗi năm trừ chi phí đầu tư, gia đình chị thu nhập từ 300 - 450 triệu đồng.

Chị H’Noaih Hdơk tham gia khóa học may công nghiệp do Hội LHPN xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) phối hợp tổ chức.
Chị H’Noaih Hdơk tham gia khóa học may công nghiệp do Hội LHPN xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) phối hợp tổ chức.

Hoàn thành khóa học may công nghiệp 3 tháng do Hội LHPN xã phối hợp tổ chức, chị H’Noaih Hdơk (buôn Kuôp, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) đã có kiến thức, kỹ năng cơ bản để có thể may hoàn chỉnh sản phẩm. Chị H’Noaih chia sẻ: “Có sẵn nghề dệt thổ cẩm do các bà, các mẹ truyền dạy nên khi biết có lớp dạy may tôi đăng ký tham gia. Từ giờ tôi đã có thể tự may tại nhà, hoàn thiện các sản phẩm thổ cẩm cho khách hàng. Hy vọng thời gian tới, Hội Phụ nữ, chính quyền địa phương hỗ trợ các chị em thành lập tổ may mặc để nhận gia công may cho các công ty, xí nghiệp tăng thu nhập cho bản thân và gia đình”.

 

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động, hỗ trợ nhưng những nỗ lực và kết quả đạt được trong thời gian qua của các cấp hội phụ nữ đã có những tác động tích cực đối với phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc chuyển đổi tư duy, nhận thức về phát triển kinh tế”.

 

 
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Phong

Để hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên ổn định cuộc sống, Hội LHPN huyện Krông Ana vừa thành lập mô hình “Phụ nữ dân tộc thiểu số tại chỗ chăn nuôi ngan” tại buôn Kuôp, xã Dray Sáp. Bước đầu, Huyện Hội đã huy động hỗ trợ 5 thành viên nuôi 675 con ngan giống và thức ăn cho ngan với tổng kinh phí 15 triệu đồng. Ngoài ra, các thành viên còn được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật quy trình chăm sóc con giống, vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh, tiêm vắc xin phòng bệnh cho ngan theo đúng quy trình, giai đoạn. Chị Lê Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Ana cho biết: “Mô hình nhằm tạo việc làm tại chỗ, giúp hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số có việc làm ổn định, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống; đồng thời từng bước đổi mới phương thức sản xuất, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong chăn nuôi”.

Để giúp hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, thời gian qua Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tập trung vận động phụ nữ đổi mới tư duy về phát triển kinh tế, chủ động tiếp cận khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất phù hợp với đặc thù, lợi thế của từng địa bàn. Đồng thời, tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hàng nghìn chị em vay vốn phát triển kinh tế; phát động các phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”; “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”; hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh cho phụ nữ dân tộc thiểu số khó khăn; vận động chị em thực hiện mô hình “Buôn tôi xanh, sạch, đẹp”…

Cán bộ Hội Phụ nữ khảo sát mô hình chăn nuôi của hội viên phụ nữ xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ.
Cán bộ Hội Phụ nữ khảo sát mô hình chăn nuôi của hội viên phụ nữ xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ.

Trong đó, cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số tại chỗ” do Hội LHPN tỉnh phát động đã được các cấp hội hưởng ứng nhiệt tình, cụ thể hóa bằng nhiều mô hình, việc làm thiết thực. Các chương trình, hoạt động bước đầu đã phát huy hiệu quả, giúp các thành viên trong gia đình phụ nữ thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế; biết lập kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, lập nguồn vốn dự phòng để mở rộng sản xuất, tái đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề khó khăn, cấp bách của gia đình; ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào quy trình, công đoạn sản xuất nhằm cải tiến phương thức phát triển kinh tế lạc hậu, nhỏ lẻ, kém hiệu quả; chủ động nắm bắt thông tin, tìm hiểu thị trường nhu cầu sử dụng các sản phẩm hàng hóa do các hộ gia đình sản xuất kinh doanh để cung cấp ra thị trường với giá cả hợp lý để có lãi và thu nhập ổn định.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.